Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực
Chính trị - Ngày đăng : 20:53, 09/12/2014
Ông Gonzalo Koncke Pizzorno, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện Thường trực của Uruguay tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Văn phòng Hội đồng chấp hành của UN-Women làm Trưởng đoàn.
Các thành viên của Ban điều hành Tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ còn có bà Kadra Ahmed Hassan, Tham tán thứ nhất Phái đoàn Thường trực của Djibouti tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Phái đoàn châu Phi của Văn phòng Hội đồng chấp hành UN-Women; bà Helen Beck, Tham tán Phái đoàn Thường trực Quần đảo Solomon tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Phái đoàn châu Á của Văn phòng Hội đồng chấp hành UN-Women; đại diện Tham tán Phái đoàn Thường trực của Úc tại Liên hợp quốc; Ban Thư ký Văn phòng Hội đồng chấp hành UN-Women… Cùng tham gia buổi tiếp với Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình còn có lãnh đạo Ban Thư ký; Toà Lao động; Toà Dân sự; Tòa Hình sự, Vụ Thi đua - khen thưởng; Vụ Hợp tác quốc tế; đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TAND...
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình với Ban điều hành Tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Thay mặt lãnh đạo TANDTC Việt Nam, Chánh án Trương Hòa Bình nhiệt liệt chúc mừng ông Gonzalo Koncke Pizzorno và các thành viên của Ban điều hành Tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã đến thăm, làm việc với TANDTC và thông báo những nét cơ bản về các chính sách của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới. Năm 2006, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới; năm 2007 có Luật Phòng chống bạo hành gia đình; năm 2011 có Luật Phòng chống mua bán người. Hiến pháp năm 2013 cũng đề cao việc bảo vệ quyền con người trong đó đề cao quyền bình đẳng giới… Ngoài ra, pháp luật về hình sự của Việt Nam cũng xử lý nghiêm khắc những hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em cũng như các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thông qua một số Công ước quốc tế về bình đẳng giới, đặc biệt là Công ước quốc tế về Chấm dứt mọi hình thức phân biệt, đối xử với phụ nữ (CEDAW). Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội…
Thay mặt Đoàn công tác, ông Gonzalo Koncke Pizzorno cho biết: Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một tổ chức đi đầu về phụ nữ và trẻ em gái, được thành lập năm 2010 nhằm thúc đẩy các tiến trình về quyền phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, UN-Women tham gia vào sáng kiến “Thống nhất trong hành động” (Delivering as One), là một cải cách của Liên hợp quốc nhằm cải thiện các hoạt động của Liên hợp quốc và hướng tới những kết quả phát triển tốt hơn. Bình đẳng giới được lồng ghép xuyên suốt trong chương trình “Một kế hoạch chung 2012-2016” cho tất cả các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ của UN-Women là nhằm lãnh đạo, thúc đẩy, điều phối các nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc thực hiện đầy đủ quyền và cơ hội của phụ nữ. Trong những năm qua, UN-Women đã giúp Chính phủ Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại Tòa án của Việt Nam và được Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng đại diện các Tòa chuyên trách TANDTC giải đáp cụ thể. Kết thúc buổi làm việc, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình mong rằng, Ban điều hành Tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiếp tục vận động cơ chế điều phối liên ngành, chấm dứt mọi hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Đối với TANDTC Việt Nam, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ cũng như đề cao quyền con người của phụ nữ Tòa án, TANDTC mong nhận được sự hỗ trợ của UN-Women trong tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Tòa án về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, UN-Women nên xem xét hỗ trợ các suất học bổng dài hạn đào tạo thạc sỹ luật ở nước ngoài cho cán bộ nữ; cung cấp cho TANDTC Việt Nam các tài liệu liên quan đến việc đề cao quyền con người của phụ nữ và những kinh nghiệm của quốc tế về lĩnh vực này.