5 thách thức của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2021
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 15:35, 19/07/2021
Theo Vietnam Report, những thách thức lớn của ngành ngân hàng trong năm 2021 gồm diễn biến phức tạp của đại dịch và sự gia tăng nợ xấu; tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn; sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; những nút thắt về chính sách với các mô hình kinh doanh mới; rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn.
Đầu tiên là diễn biến phức tạp của đại dịch và sự gia tăng nợ xấu. số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Bởi vậy, những tháng đầu năm, nợ xấu toàn ngành chưa cao vì đang lẩn khuất do cơ chế mở của Thông tư 03 nhưng nửa năm còn lại trở đi, lại là câu chuyện khác.
Thứ hai, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn. như Basel II, Basel III nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khẳng định vị thế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và thế giới cũng như tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mực gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và thị trường.
Thống kê sơ bộ trong năm nay có khoảng 16 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nhóm ngân hàng tăng vốn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như cải thiện được hiệu quả hoạt động liên quan đến chỉ số như là tỷ lệ an toàn vốn, NIM và tăng khả năng cho vay. Tuy nhiên, việc tăng vốn cũng gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thứ ba, sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ là cuộc cạnh tranh của ngân hàng với nhau, giữa các ngân hàng với các công ty tài chính mà còn là giữa ngân hàng với fintech và bigtech, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán và cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng.
Khảo sát trong tháng 6 năm 2021 của Vietnam Report đã chỉ ra top 3 lợi thế cạnh tranh được các ngân hàng lựa chọn nhiều nhất, đó là: Ứng dụng công nghệ (90,91% phản hồi); Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ (54,55%); Mạng lưới và kênh phân phối (36,36%).
Thứ tư, những nút thắt về chính sách với các mô hình kinh doanh mới như mô hình ngân hàng số 100%, tiền kỹ thuật số, cho vay ngang hàng... và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay ngang hàng, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt v.v. vẫn đang ở dạng dự thảo, chưa được chính thức ban hành. Các quy định pháp lý trong nước lại chưa theo kịp với yêu cầu, khiến các NHTM e dè trong việc áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài khuôn khổ cho phép. Những nút thắt về chính sách này cần các cơ quan quản lý và nghiên cứu cần có phương án tiếp cận kịp thời.
Cuối cùng là rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn. Khách hàng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, gian lận trong lĩnh vực ngân hàng và fintech. Ngân hàng lại đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế và luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hầu hết các giao dịch và hoạt động tài chính được xử lý trực tuyến nên cần có một tỷ lệ cao số vụ tội phạm an ninh mạng liên quan đến các ngân hàng.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến cho các ngân hàng phải đối mặt với số lượng các hoạt động gian lận tăng lên đáng kể. Ngoài ra, ngân hàng cũng gặp phải những rủi ro về đạo đức liên quan đến khách hàng và nhân viên ngân hàng.