Nhiều ngân hàng được "nới room" tín dụng

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 10:46, 17/07/2021

Theo NHNN, việc "nới room" tín dụng nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận về việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng thương mại trong nước.

Theo đó, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, NHNN chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu.

noi-room-tin-dung.jpg
Nhiều ngân hàng được "nới room" tín dụng

Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ chấp thuận điều chỉnh mức dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2021 của MBBank theo đề nghị của ngân hàng từ 10,5% lên 15%.

Cùng với đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng tại VPBank cũng được điều chỉnh từ 8,5% lên 12,1% cho cả năm nay. Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%. Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%, VIB từ 8,5% lên 14,1%, TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%...

Các ngân hàng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng luôn tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này xây dựng kế hoạch và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Các nhà băng cần phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

Một số ngân hàng hiện cũng đang đề xuất được nới room tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2021. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, chia sẻ với Zing, đầu năm nay, ngân hàng này được giao chỉ tiêu tín dụng 10% nhưng đến hết tháng 6, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng hơn 9%.

“Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Tùng đề nghị.

Tương tự, các ngân hàng như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostBank… cũng đang kiến nghị được nới room tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2021.

Dựa trên kiến nghị của các nhà băng, NHNN sẽ đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tương tự như mọi năm, cơ quan quản lý sẽ xem xét khi các ngân hàng có đề nghị.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện được việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần hỗ trợ kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 6 tháng so với cùng kỳ là 1,47%. Thị trường tiền tệ và ngoại hối duy trì ổn định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng bảo đảm, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm trước, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Trang Nhi