Một bác sĩ bị bắt vì 7ml Methadone
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 17:53, 25/03/2016
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ pháp lý, vụ án cần được xem xét một cách khách quan, đúng pháp luật để bảo đảm phòng chống tội phạm và ngăn gừa oan sai.
Buổi tối định mệnh của một chuyên gia cai nghiện ma túy
Bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn, sinh năm 1964, hộ khẩu thường trú tại 38 Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y năm 1991, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Bác sĩ Ấn đã có một thời gian công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, thuộc nhóm nghiên cứu, khám chữa bệnh nghiện ma túy của Hội Chữ thập đỏ, Viện Hóa học … và đã từng được cử đi Mỹ hội thảo về chữa bệnh cai nghiện ma túy tại Việt Nam.
Mọi việc bắt đầu từ khi ông Ấn tham gia tư vấn khám chữa bệnh ma túy cho Tổng đài 1080 thông qua các cuộc gọi đến. Ông Ấn đã tư vấn cho nhiều người trong đó có đối tượng Nguyễn Trung (sinh năm 1977, ngụ tại Đống Đa, Hà Nội). Ngày 27/7/2015, đối tượng Nguyễn Trung có gọi cho ông Ấn đề cập việc muốn nhờ ông mua thuốc Methadone là thuốc chữa bệnh cai nghiện ma túy. Ông Ấn đã đi mua một ống chứa 7ml Methadone, nồng độ 0,674 dạng dung dịch màu hồng để bán cho Trung. Khi hai bên đang giao dịch tại khu vực phố Đặng Văn Ngữ thì bị bắt quả tang. Khi bị bắt ông Ấn và Trung đang ngồi cafê để ông Ấn tư vấn cho Trung cách sử dụng thuốc Methadone. Điều này là phù hợp với lời khai của cả bác sĩ Ấn và Trung đều khẳng định, một bên mua, một bên bán thuốc chữa bệnh chứ không phải mua bán ma túy.
Cấp phát thuốc Methadone (Ảnh PV)
Thu trong túi quần ông Ấn số tiền 1 triệu đồng, tiền vừa bán dung dịch Methadone cho Nguyễn Trung. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của ông Ấn, cơ quan điều tra không thu giữ được bất kì tang vật gì khác.
Tại Bản kết luận giám định số 7079/KLGĐ-PC54 ngày 21/10/2015 của phòng KTHS-CATP Hà Nội (bút lục 45) kết luận: “lọ nhựa trắng chứa 7ml dung dịch màu hồng có thành phần Methadone, nồng độ Methadone là 0,674 mg/ml. Đối tượng Nguyễn Trung do lượng ma túy tàng trữ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên chỉ bị Công an quận Đống Đa phạt hành chính còn ông Ấn bị tạm giữ hình sự từ thời điểm đó đến nay với tội danh “mua bán trái phép chất ma túy”.
Thuốc hay ma túy?
Trong phương pháp cai nghiện hiện nay, đặc biệt là cai nghiện heroin, người ta thường dùng một số loại thuốc gọi là “thuốc điều trị duy trì” trong đó có thuốc Methadone. Sau một thời gian thay thế cho heroin, các bác sĩ sẽ ngưng cho dùng Methadone và gây “hội chứng cai thuốc” nhẹ nhàng mà người nghiện chấp nhận được.
Trong Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đẩy mạnh việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Ví dụ trách nhiệm của Bộ Y tế là chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS thiết lập ngay các cơ sở điều trị Methadone theo quy định…; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành khung giá dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó cho phép tính chi phí nhân công thuê ngoài (thuê hợp đồng lao động) vào giá dịch vụ điều trị Methadone; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan bảo đảm nguồn cung thuốc Methadone đáp ứng nhu cầu của các địa phương… Như vậy, Thủ tướng và các Bộ đều dùng cụm từ “thuốc Methadone” chứ không phải dùng cụm từ “ma túy Methadone”.
Bộ Y tế có Thông tư 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 Hướng dẫn Quản lý thuốc Methadone rất chi tiết từ dự trù và phân phối thuốc Methadone; Vận chuyển, giao nhận và bảo quản thuốc Methadone; Kê đơn thuốc Methadone; Cấp phát thuốc Methadone, chuyển tiếp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và xử lý một số tình huống đặc biệt; Quản lý hồ sơ, sổ sách, báo cáo thuốc Methadone.
Ví dụ về kê đơn thuốc Methadone, Điều 12 qui định: “Người kê đơn thuốc Methadone phải đáp ứng các điều kiện sau: Là bác sỹ có thời gian làm công tác khám bệnh, chữa bệnh từ 18 tháng trở lên. Có giấy chứng nhận đã được tập huấn về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được cấp bởi các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế giao nhiệm vụ”.
Đối chiếu các văn bản trên đây thì có lẽ xác định ông Ấn vi phạm các quy định về khám chữa bệnh hoặc mua bán chất gây nghiện thì phù hợp. Theo các quy định của Bộ luật Hình sự 1999 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP ngày 24/12/2007 và qua xem xét các quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ/CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì việc xử lý vi phạm đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy rõ ràng nặng hơn rất nhiều so với việc mua bán thuốc gây nghiện. Việc mua, bán thuốc gây nghiện chỉ bị xử lý vi phạm hành chính còn mua bán trái phép chất ma túy chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.
Do đó, xác định ông Ấn mua, bán thuốc Methadone là hành vi để kinh doanh, hay để chữa bệnh hay để thoả mãn nhu cầu trái phép cho mình hoặc cho người khác như quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP ngày 24/12/2007 đã nêu trên là rất cần thiết.
Ngoài ra, một chi tiết đáng chú ý trong hồ sơ vụ việc là khi bị bắt, Nguyễn Trung đã khai ngay là mua thuốc Methadone để chữa bệnh vì biết qua báo chí, dùng Methadone có thể cai nghiện. Trung còn khai thêm ông Ấn là bác sĩ cai nghiện ma túy, từng là bác sĩ mà Tổng đài 1080 cung cấp số điện thoại để tư vấn cai nghiện ma túy nên Trung đã liên lạc để mua thuốc. Số tiền 1 triệu đồng mà Trung trả cho bác sĩ Ấn có thể mua được nhiều liều Heroin để sử dụng chứ không chỉ mua có 7ml Methadone (có hàm lượng ma túy rất thấp) để thỏa mãn cơn nghiện của mình, chứng tỏ anh Trung thật sự muốn cai nghiện.
Vì vậy, vụ án 7 ml Methadone này cần được xem xét, giải quyết một cách khách quan, phù hợp với pháp luật và thực tiễn về phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay.