Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh
Đời sống - Ngày đăng : 11:22, 16/07/2021
Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211 để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phù hợp hơn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của đất nước.
Theo Bộ Nội vụ, khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung được thông qua, từ năm 2022 - 2026 sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và “làm điểm” sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Dự thảo về đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được xây dựng, đối với tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập: có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng hơn ít nhất 150% so với mức tiêu chuẩn, thì quy mô dân số từ 700.000 người trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.
Bổ sung một điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác. Ví dụ, quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người).
Theo quy trình, sau khi đề án được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng nghị quyết về thực hiện để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.