Hôm nay, Chủ tịch nước tham dự Cuộc họp không chính thức APEC

Chính trị - Ngày đăng : 10:21, 16/07/2021

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện
chu-tich-nuoc-tham-du-cuoc-hop-khong-chinh-thuc-apec.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Cuộc họp không chính thức của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến vào ngày hôm nay 16/7.

Liên quan Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: Hơn một năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc, đa chiều tới mọi mặt kinh tế, xã hội của các nước và các nền kinh tế, APEC đã thể hiện sự chủ động, tích cực cũng như năng lực thích ứng với tình hình này.

Điều rất có ý nghĩa là trong lúc dịch bệnh và khó khăn về kinh tế ở khu vực và toàn cầu, là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, các thành viên APEC tiếp tục cam kết và nỗ lực duy trì thị trưởng mở, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Ứng phó với đại dịch COVID-19, APEC đã có sự phối hợp, hợp tác hết sức chặt chẽ thông qua các hình thức linh hoạt như họp trực tuyến, lập ra trang web để cung cấp và chia sẻ thông tin về ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ những nhóm người yếu thế và tăng cường nguồn lực tài chính cho các chương trình hợp tác liên quan đến các vấn đề xã hội như tạo việc làm, nâng cao kĩ năng cho người lao động, đặc biệt là lớp trẻ, trong khu vực.

Thông qua kênh hợp tác kinh tế-thương mại, APEC cũng đã có nhiều sáng kiến, tuyên bố cấp bộ trưởng liên quan đến các vấn đề hết sức cấp thiết, như bảo đảm sự thông suốt của hàng hóa thiết yếu, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa, cam kết hợp tác tăng cường hoạt động của chuỗi cung ứng vaccine trong khu vực…

Đến nay, có thể nói tuy không tổ chức họp trực tiếp được nhưng thông qua các hoạt động trực tuyến và các nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, APEC đã thể hiện được vai trò hết sức thiết thực, có trách nhiệm, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như phục hồi kinh tế.

Trong Năm APEC 2021, Việt Nam đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ với nước chủ nhà New Zealand cũng như các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đóng góp ý tưởng vào các chương trình nghị sự chính của Diễn đàn. Việt Nam là một trong những nước đi đầu APEC kêu gọi các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC tự nguyện chia sẻ về công nghệ, bảo đảm sự tiếp cận nhanh chóng, công bằng và với chi phí hợp lý về vaccine. Việt Nam cũng hợp tác với các thành viên APEC trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho thanh niên.

Nói về mục đích của Cuộc họp và ý nghĩa của việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu, tập trung các lợi ích lớn, là nơi có những đối tác quan trọng về kinh tế, thương mại và chiến lược của Việt Nam. Hợp tác APEC năm nay do New Zealand chủ trì diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những tâm dịch của thế giới và các nền kinh tế thành viên APEC đang đều phải ứng phó với đại dịch với mức độ thành công và kết quả khác nhau.

Chính vì thế, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện:

Thứ nhất, chủ đề và nội dung chính của cuộc họp lần này hết sức phù hợp với ưu tiên và quan tâm của Việt Nam cũng các nền kinh tế thành viên. Đó là những vấn đề kinh nghiệm ứng phó với đại dịch - đặc biệt là vấn đề tiếp cận vaccine, phục hồi kinh tế, bảo đảm thông suốt của chuỗi cung ứng và các biện pháp hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong khó khăn, khủng hoảng này.

Thứ hai, trên cơ sở những định hướng, giải pháp mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đưa ra, Việt Nam sẽ triển khai, cụ thể hóa các cam kết đó thành các hoạt động hợp tác, chương trình hành động ở cả kênh đa phương trong APEC cũng như song phương với các đối tác chiến lược, nhất là những đối tác có nguồn lực và tiềm năng lớn về vaccine, tài chính và thị trường.

Thứ ba, là một nền kinh tế đang phát triển năng động và có những đóng góp tích cực trong APEC, như tổ chức thành công các hội nghị cấp cao APEC năm 2006 và 2017 và có thành công nhất định trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như phục hồi kinh tế, sự tham gia và đóng góp tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp tới đây một lần nữa sẽ thể hiện trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam cho hợp tác trong APEC, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước ta, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn APEC trong cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu.

Dự kiến, Thủ tướng Ardern chủ trì cuộc họp thượng đỉnh APEC thường niên trực tuyến vào tháng 11 tới, tuy nhiên, bà đã triệu tập một cuộc họp "không chính thức" bổ sung vào ngày 16/7 tới.

Theo thông báo, cuộc họp nhằm thảo luận về cách thức ứng phó khẩn cấp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 và tác động kinh tế của khối.

Trong một thông cáo, bà Ardern nói: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của APEC, các nhà lãnh đạo khối tổ chức một cuộc họp bổ sung cấp thượng đỉnh và phản ánh nguyện vọng của họ cùng nhau đẩy lùi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế".

Trọng Bằng