Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 16:36, 14/07/2021
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc hai đơn vị, cùng cán bộ, công chức tại 789 điểm cầu của hệ thống Tòa án trên toàn quốc.
Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).
Đến thời điểm này, có rất nhiều quốc gia đã hoàn thành xong giai đoạn xây dựng Tòa án điện tử và đang trong giai đoạn xây dựng Tòa án số để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Singapore,…
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, bản chất của Tòa án điện tử là: chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số. Tại Hội nghị này, ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại số; đồng thời trang bị cho toàn thể cán bộ, công chức Tòa án kiến thức về Tòa án điện tử để chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng Tòa án điện tử.
Nhấn mạnh về những nội dung trong Báo cáo công tác ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du khẳng định: Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).
Để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới trong thời đại số, chủ trương xây dựng Tòa án điện tử đã được Chánh án TANDTC đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử. Bắt đầu từ thời điểm đó, nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án. Đặc biệt thời gian qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạt động của các Tòa án. Để hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đặt ra, đòi hỏi hệ thống Tòa án phải nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức thực hiện quyết liệt; trong đó tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 17 chủ trương, giải pháp đột phá, thiết thực mà Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về nền tảng Tòa án điện tử, Trợ lý ảo; đặc biệt, Hội nghị được nghe và trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử; chuyên gia tin học Tòa án tối cao Hàn Quốc giới thiệu về phần mềm quản lý án tổng hợp xây dựng cho Tòa án Việt Nam.
Tòa án điện tử đảm bảo được quyền con người, lợi ích của người dân
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ các ưu điểm vượt trội về áp dụng công nghệ số hiện nay. Số hóa hiện đã bước vào giai đoạn 3, số hóa tổ chức tức là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, thay đổi cách vận hành của tổ chức hay còn gọi mà chuyển đổi số. Theo đó, Tòa án cũng sẽ hoạt động hiệu quả về những lĩnh vực của mình khi áp dụng hạ tầng này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Tòa án điện tử chính là phục vụ các đối tượng của mình, ví dụ công khai bản án, án lệ để người dân tiếp cận; Trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý… Tất cả các nội dung này khi triển khai không phức tạp và mang lại giá trị lớn cho người dân.
Chuyển đổi số 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo Tòa án, là tri thức của hệ thống Tòa án, công nghệ nhiều nhất chiếm 30%. Những người xuất sắc nhất của Tòa án sẽ phải tham gia cùng với những người làm công nghệ để đưa tri thức vào cuộc sống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Tòa án online tại nhiều nước trên thế giới đã triển khai (xét xử online) và Tòa án Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc thí điểm. Dự kiến tháng 10/2021 sẽ đưa vào sử dụng. Hay phần mềm trợ lý ảo, giao dịch với chúng ta bằng ngôn ngữ nói tự nhiên thông qua điện thoại di động. Đây là trợ lý hẹp chuyên ngành Tòa án nên rất dễ làm cho nó thông minh. Và tiến tới, trợ lý ảo có thể đưa vào sử dụng.
Thay mặt cho ban tổ chức Hội nghị, đồng chí Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đã tiếp thu những ý kiến định hướng của đồng chí Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của TANDTC phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác, để triển khai thành công việc “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh, để triển khai Tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC mà còn có sự quyết tâm góp sức từ TAND các cấp. Tòa án điện tử trở thành khát vọng của từng Thẩm phán và đây là cơ hội mở cho hệ thống Tòa án.
Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, khi hạ tầng này được vào sử dụng tại hệ thống Tòa án thì niềm tin vào công lý của người dân sẽ rất cao, đảm bảo được quyền con người, cũng như lợi ích của người dân. Có thể nói, Tòa án điện tử còn là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của Tòa án và kiểm tra lại các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, từ đó giúp người dân nhìn nhận để đưa ra các quyết định khởi kiện…
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần phải tiếp tục chuẩn bị các bước để hoàn thiện pháp lý cho hạ tầng này.
Cũng tại Hội nghị, Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa TANDTC và Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.