TANDTC giải đáp nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án (phần 2)

Tòa án - Ngày đăng : 16:01, 13/07/2021

TANDTC vừa ban hành văn bản số 01/2021/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo từng vấn đề cụ thể.

Phần 2: 18 nội dung hướng dẫn áp dụng cụ thể

hoa-giai-4.jpg
Một phiên hòa giải tại Tòa án.

18. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, nếu cần xem xét hiện trạng tài sản và Hòa giải viên phải mời đơn vị, tổ chức có chức năng thực hiện các công việc như đo vẽ, đánh giá tình trạng tài sản,... thì việc thanh toán các chi phí phát sinh thực hiện như thế nào?

Thứ nhất, Hòa giải viên trao đổi với các bên về sự cần thiết của việc xem xét hiện trạng tài sản và vấn đề chi phí như sau:

- Trường hợp tài sản cần xem xét hiện trạng nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, thì chi phí được Nhà nước chi trả theo khoản 13 Điều 4 của Thông tư số 92/2020/TT-BTC ngày 13-11-2020 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Cụ thể, chi phí được chi trả trong trường hợp này gồm: Chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng (trong trường hợp cần thiết). Việc thuê trang thiết bị, máy móc và thuê đơn vị, tổ chức có chức năng thực hiện theo quy định của các cơ quan, đơn vị của nhà nước và có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

- Trường hợp tài sản cần xem xét hiện trạng nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, thì chi phí thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nghị định số 16/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, các chi phí đó gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản.

Thứ hai, sau khi nghe Hòa giải viên trao đổi về sự cần thiết và vấn đề chi phí như trên, tùy từng trường hợp mà thực hiện như sau:

- Trường hợp các bên tranh chấp nhất trí để Hòa giải viên tiến hành xem xét hiện trạng tài sản và thỏa thuận được với nhau về tỷ lệ nộp chi phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp chi phí) thì Hòa giải viên tiến hành xem xét hiện trạng tài sản, Tòa án thực hiện việc thu, chi các chi phí theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nghị định số 16/2021/NĐ-CP , Thông tư số 92/2020/TT-BTC và quy định khác có liên quan.

- Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí việc xem xét hiện trạng tài sản mà phát sinh chi phí hoặc không thỏa thuận được với nhau về tỷ lệ nộp chi phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp chi phí) thì Hòa giải viên tiếp tục thực hiện việc hòa giải, đối thoại theo quy định mà không tiến hành xem xét hiện trạng tài sản. Các bên có thể tự cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản cho Hòa giải viên.

19. Khi tiến hành hòa giải tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Hòa giải viên có phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên không?

Căn cứ khoản 9 Điều 3, khoản 4 Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không quy định việc buộc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên trong quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, Hòa giải viên có thể lấy ý kiến của con chưa thành niên để hiểu được nguyện vọng của con, từ đó có phương án hòa giải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

20. Hòa giải vụ việc ly hôn có phải là thủ tục bắt buộc theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không?

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: các bên có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại.

Như vậy, tự nguyện là nguyên tắc trong hòa giải, đối thoại và hòa giải vụ việc ly hôn theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tiến hành theo sự tự nguyện của các bên, không phải là thủ tục bắt buộc.

21. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu khi Hòa giải viên mời đến hòa giải, đối thoại thì xử lý như thế nào?

Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau khi nhận đơn do Hòa giải viên chuyển đến, Tòa án xem xét trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

22. Sau khi Tòa án chỉ định Hòa giải viên mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì có được coi là hòa giải thành, đối thoại thành hay không?

Căn cứ áp dụng: khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại và thông qua hoạt động hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì được coi là hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp Hòa giải viên đã được chỉ định nhưng chưa tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì không được coi là hòa giải thành, đối thoại thành.

23. Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà một bên phát hiện là bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì Hòa giải viên xử lý như thế nào?

Căn cứ áp dụng: Khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 33, khoản 1 Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

quy định: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà một bên phát hiện là bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì Hòa giải viên hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành thỏa thuận lại việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Nếu các bên không thỏa thuận lại thì Hòa giải viên hướng dẫn bên bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép yêu cầu Tòa án xem xét nếu Tòa án tiến hành thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; hoặc đề nghị Tòa án xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

anh-2_-trien-khai-mo-hinh-hoa-giai-doi-thoai-mo-hinh-tai-tand-tp-ha-noi-.jpg
Triền khai mô hình hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hà Nội.

24. Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt hòa giải, đối thoại khi một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại thì những ai ký vào biên bản hòa giải, đối thoại?

Căn cứ áp dụng: khoản 3 Điều 40, khoản 3 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khi một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại thì Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt hòa giải, đối thoại có chữ ký của những người tham gia hòa giải, đối thoại có mặt.

25. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có phải làm đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không?

Căn cứ áp dụng: điểm e khoản 1 Điều 31 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các bên tham gia hòa giải, đối thoại không phải làm đơn yêu cầu mà Hòa giải viên ghi ý kiến của các bên vào Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại để Tòa án làm căn cứ xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

26. Tòa án có phải thực hiện thủ tục thụ lý trước khi xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không?

Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Tổ hành chính tư pháp hoặc Phòng hành chính tư pháp, Chánh án hoặc Phó Chánh án (được Chánh án phân công) phân công Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định tại Điều 32 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây là thủ tục riêng được quy định trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, không qua thủ tục thụ lý như vụ án dân sự, hành chính theo quy định của các luật tố tụng.

27. Ngay sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mà các bên tự nguyện thi hành ngay các thỏa thuận, thống nhất thì Tòa án có phải ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành hay không?

Căn cứ áp dụng: khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tòa án chỉ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi các bên có yêu cầu, nếu các bên tự nguyện thi hành ngay các thỏa thuận, thống nhất và không yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

28. Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có bắt buộc phải là Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Thẩm phán này không bắt buộc phải là Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn đối với việc xem xét ra quyết định của Thẩm phán, Chánh án nên phân công Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại đồng thời là Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vì Thẩm phán đó đã có thông tin về kết quả hòa giải, đối thoại từ phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

29. Khi xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, Thẩm phán có được tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hay không?

Thẩm phán áp dụng các biện pháp đã được quy định tại khoản 2 Điều 32 và các quy định khác của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để làm cơ sở xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà không tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

30. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, các bên có phải thực hiện cam kết của mình làm căn cứ để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành hay không?

Căn cứ áp dụng: khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Luật không quy định về việc các bên phải thực hiện cam kết trước khi Tòa án xem xét ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành. Việc thực hiện cam kết trong biên bản ghi nhận kết quả đối thoại có thể được các bên thực hiện trước hoặc sau khi có quyết định công nhận kết quả đối thoại thành. Tòa án chỉ xem xét ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành nếu các bên có yêu cầu.

31. Khi chuyển đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ cho Hòa giải viên thì Tòa án có chuyển bản gốc hay không? Nếu đương sự không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì hồ sơ đó sẽ được lưu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì trong giai đoạn chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Hòa giải viên tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến. Như vậy, Tòa án chuyển tài liệu gốc cho Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại. Nếu đương sự không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành thì hồ sơ sẽ được lưu tại Tòa án.

32. Tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/01/2021, đã yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn và nhận lại đơn đã sửa đổi, bổ sung sau ngày 01/01/2021 thì có xem xét chuyển sang hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không?

Căn cứ áp dụng: khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên.

Đối với trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01-01-2021, đã yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn và nhận lại đơn đã sửa đổi, bổ sung sau ngày 01-01-2021 thì được xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp các bên có yêu cầu thì mới xem xét theo thủ tục quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

33. Trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người yêu cầu rút đơn yêu cầu và Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt hòa giải, đối thoại, chuyển biên bản, tài liệu kèm theo cho Tòa án nhận đơn. Tòa án phân công chính Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với vụ việc đó để xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng (trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu). Vậy, Thẩm phán đó có được tham gia giải quyết vụ việc khi đương sự khởi kiện lại không?

Căn cứ áp dụng: Đoạn 2 khoản 2 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người yêu cầu rút đơn yêu cầu trước khi Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đã trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu có quyền tham gia giải quyết vụ việc khi đương sự khởi kiện lại vụ việc.

Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người yêu cầu rút đơn yêu cầu sau khi Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại thì cần phân biệt: nếu Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại đối với vụ việc đó thì không được tham gia giải quyết vụ việc khi đương sự khởi kiện lại theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; nếu Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại không tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại đối với vụ việc đó thì có quyền tham gia giải quyết lại vụ việc.

34. Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải khi các bên tham gia hòa giải thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự hay chỉ tham gia phiên họp khi các bên thỏa thuận được toàn bộ vụ việc dân sự?

Căn cứ áp dụng: khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 28 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải khi các bên thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự.

35. Trường hợp Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại mà người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì có phải mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành với sự tham gia của Thẩm phán hay không?

Căn cứ áp dụng: Điều 40, khoản 2 Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại mà người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết, không tổ chức phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, do đó, không có sự tham gia của Thẩm phán.

Bình Nguyên