Thảm án và những nỗi đau dai dẳng

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 07:00, 21/12/2015

Dù rằng các nạn nhân đã yên nghỉ, kẻ gây thảm án cũng đã nhận hình phạt thích đáng nhưng nhiều năm trôi qua nỗi đau đó vẫn còn dai dẳng...

8 năm qua, ký ức hoàng của ngày 19/11/2007 vẫn chưa thể nào quên đối với người dân xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Hôm đó, Lê Văn Lâm (SN 1983, thôn 5, xã Tiên Hiệp) tổ chức thôi nôi cho con gái mình tại nhà ông Lê Minh (SN 1952, cha Lâm).

Tan tiệc, ông Minh nói Lâm đưa số tiền thôi nôi cho ông với lí do đang làm nhà, bị kẹt tiền. Nhưng Lâm không đồng ý và đã to tiếng với cha. Thấy anh vô lễ với cha, em trai của Lâm là Lê Văn Đức (SN 1991) chạy xuống nhà dưới lấy con dao lên. Hai anh em cự cãi và giằng co nên con dao làm cổ của Lâm bị xước.

Ngay lập tức, Lâm giằng lấy con dao chém liên tiếp 14 nhát vào người Đức khiến cho nạn nhân chết ngay tại chỗ. Ông Minh xông vào can ngăn cũng bị Lâm quay sang chém chết.

Nổi máu côn đồ, Lâm chạy sang nhà hàng xóm chém bà Trần Thị Tuấn. Chưa hết, y còn chém đứt cánh tay trái của chị Trần Thị Sáu (SN 1976) ở nhà bên cạnh.  Sau đó, Lâm xách dao đi lùng sục khắp xóm để chém bất cứ ai Lâm gặp. Cả xóm chạy vào núi ẩn nấp.

Thảm án và những nỗi đau dai dẳng

Lê Văn Lâm bị cơ quan công an bắt sau khi gây án

Đến 19h30, lực lượng công an đã khống chế được tên Lâm. Ngay sáng hôm sau, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Lâm về tội giết người. Ngày 29/12/2007, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên án tử hình đối với tên Lê Văn Lâm.

Sau 8 năm, chúng tôi đến là nhà chị Trần Thị Sáu (SN 1967), người bị Lâm chém trọng thương ngày 19/11/2007. Bà Phạm Thị Bổn (SN 1935), mẹ chồng của chị Sáu kể rằng, hôm đó có nghe Lâm cãi vã nhau với cha mình, chừng một lúc sau, Lâm cầm dao chém chết em ngay hiên nhà rồi đuổi cha ra ngoài ruộng và chém chết thì mọi người dân trong thôn cùng hô hoán nhau bỏ chạy vào rừng.

Chị Sáu cứ nghĩ rằng mình là phận đàn bà thì Lâm sẽ không ra tay. Ai ngờ, khi nhìn thấy chị Sáu đang quét sân, Lâm như con thú say mồi, vung dao, phản xạ tự nhiên, chị Sáu giơ tay ôm đầu. Kết cục, nhát dao của tên sát thủ cướp đi của chị Sáu nguyên bàn tay trái, ba ngón tay phải và một vết thương sâu trên đầu.

Lúc đó, bà Bổn đứng nấp trong bụi cây cách đó chừng 5m, tận mắt nhìn thấy cảnh Lâm chém con dâu mình nhưng quá sợ hãi mà bà không thốt nên lời. Vả lại, nếu lúc đó để Lâm phát hiện, không những không cứu được con dâu mà bà cũng sẽ bị tên sát thủ chém chết.

Ngay sau khi tên Lâm bị bắt, dù được dân làng đưa đi bệnh viện nhưng chị cũng chỉ sống thêm 10 tháng nữa thì ra đi vĩnh viễn. Mất vợ, anh Cao Văn Lanh (SN 1963) như cái cây chặt đứt gốc. Đàn con 6 đứa trong phút chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi mẹ.

Từ khi chị Sáu mất đi, gia đình rơi vào hoàn cảnh túng bấn. Ngôi nhà của anh chị giờ đây trống hoác và không còn tài sản nào đáng giá. Bao nhiêu tiền của đã chữa chạy cho chị Sáu. Đã thế, mất đi một người lao động chính, kinh tế càng kiệt quệ.

Buồn đau, thêm vào bệnh tật, anh Lanh như người chờ chết. Căn bệnh bệnh lao phổi kèm lao hồi manh tràng đã làm anh bị tắc ruột. Nhìn dáng người nhỏ thó, xanh xao mang hậu môn giả bên hông, khách đến thăm khó có thể kìm được lòng.

Thảm án và những nỗi đau dai dẳng

Gia đình anh Cao Văn Lanh - một nạn nhân của Lâm

Một nạn nhân khác của Lâm là bà Trần Thị Tuấn (SN 1932). Người đàn bà tội nghiệp, đang ngồi giặt quần áo bên giếng, chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã bị Lâm dùng dao chém chết ngay tại chỗ.

Chồng của bà, sau đó vì quá đau buồn mà thắt cổ tự vẫn. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà đóng cửa. Chỉ vào khoảng tối bên trong nhà, mọi người bảo, 9 năm trước, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc, còn chuyện trò, chăm sóc cho nhau…

Chúng tôi tìm về thị trấn Tiên Kỳ để gặp Nguyễn Thị Bích Hồng (1987), vợ của Lâm. Ngoài nỗi đau mất chồng, người đàn bà này còn chịu một nỗi đau mặc cảm, tội lỗi do chồng mình gây ra và chị đã mất cách đây hơn 2 năm.

Bà Nguyễn Thị Sửu (SN 1958) nghe chúng tôi hỏi thăm, không kìm được lòng, khóc tức tưởi. Từ lúc lên 6 tuổi, bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà lớn lên leo lắt, nay ở với người này, mai ở với người khác. Ngày kết hôn, tưởng đâu bà có một gia đình hạnh phúc, nhưng người chồng bà hết mực thương yêu lại bỏ bà ra đi theo nhân tình, để lại cho bà tài sản duy nhất là đứa con gái nhỏ.

Khi Hồng kết hôn với Lê Văn Lâm, bà cầu mong cho cô con gái duy nhất và cũng là người thân duy nhất trên đời của mình được ấm yên. Nào ngờ đâu, gã con rể máu lạnh đã giáng cho mẹ con bà một nỗi đau quá lớn.

Hôm đó, khi thấy cha chồng và chồng gây gổ nhau, đang rửa chén bát, Hồng chạy vào can ngăn chồng. Lâm không những không nghe lời vợ mà còn xô chị Hồng khiến chị ngã trật khớp và động thai.

Chứng kiến chồng giết cha, giết em, giết bà, giết hàng xóm, Hồng gần như điên loạn. Bà Sửu phải đưa con gái về bên nhà bà. 7 tháng sau, Hồng sinh cô con gái thứ hai. Đứa con sau này, Hồng lấy họ mình, hòng mong cắt đứt nguồn gốc của kẻ sát nhân ra khỏi đời con gái. Hồng cũng dự tính đổi họ cho đứa con đầu nhưng cô chưa kịp làm. Dù hận chồng hành động vô nhân tính, nhưng một ngày cũng nghĩa vợ chồng nên Hồng vẫn hương khói cho tên Lê Văn Lâm.

Ngày 24/8/2010, vừa thắp hương trên mộ chồng xong, quay về chưa được 1 km, Hồng bị tai nạn giao thông chết ngay tại chỗ. Khi chúng tôi đến, 2 đứa con Hồng, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi đang bi bô cười đùa. Chúng vẫn nghĩ cha mẹ đi đâu đó chưa, chúng còn quá nhỏ, chưa thấm hết nỗi đau do người cha tàn độc gây ra và nỗi buồn tủi phải mồ côi mẹ.

Hỏi thăm qua nhiều người, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà anh Lê Hòe (SN 1962, con trai bà Tuấn), là người tên sát thủ gọi là chú. Hôm ấy, khi thấy bên nhà Lâm có chuyện, anh Hòe chạy sang xem sao. Anh Hòe chưa kịp hiểu việc gì, thì Lâm đã vung dao lên. Sợ quá, anh Hòe chạy vào rừng vừa trốn vừa tìm đường đến báo chính quyền xã.

Lâm chạy theo nhưng anh Hòe chạy nhanh nên Lâm không đuổi kịp. Khi quay trở ra thì Lâm bắt gặp mẹ anh Hòe là bà Trần Thị Tuấn và đã cướp đi mạng sống của người đàn bà này.

Ngay sau chôn cất mẹ xong, vợ chồng anh Hòe chuyển nhà đi nơi khác. Mặc dù ở Tiên Hiệp có ruộng, có rẫy, có trâu bò, nhưng anh chị bỏ tất cả, dắt díu con cái về Tiên Kỳ làm thuê sinh sống. Sau vợ chồng anh Hòe, ba gia đình khác cũng bỏ làng ra đi.

Châu Sơn