Đại dịch lây lan từ những người không thích "đứng yên"
Đời sống - Ngày đăng : 20:18, 11/07/2021
Đừng phớt lờ cảnh báo
Đã gần 2 năm, kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), COVID-19 vẫn là vấn đề nóng, diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống của nhân loại. Chính phủ Việt Nam vẫn luôn nằm trong top những quốc gia có công tác phòng chống dịch bệnh tốt và hiệu quả nhất. Tất cả mọi người thì đều hiểu đều lo lắng và tuân thủ theo quy định phòng chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người không có ý thức, không có trách nhiệm đã gây ra ảnh hưởng lớn cho cộng đồng, gây hậu quả cho xã hội.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vụ việc khai báo y tế sai, bỏ cách ly tập trung của bệnh nhân (BN) số 17 đã gây ra ảnh hưởng lớn như thế nào đến công tác phòng chống dịch của Chính phủ ta và hồi tháng 3-2020. Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, chị N. đã tự cách ly tại nhà sau khi di chuyển từ vùng dịch Ý về Việt Nam, đeo khẩu trang và chỉ ở tầng 8 của tòa nhà, nhưng việc không cách ly y tế đúng quy định, không được thăm khám sức khỏe và phát hiện tình trạng nhiễm bệnh từ sớm, N. đã làm lây ra thêm 2 bệnh nhân và 1 bệnh nhân khác (cũng là nhân viên của N.) ở trong tình trạng nghi nhiễm, hơn 60 hộ gia đình ở khu vực lân cận, hàng trăm nhân viên y tế, nhiều người tiếp xúc với N. và người tiếp xúc với người tiếp xúc đã phải cách ly bắt buộc, 1 bệnh viện đã phải tạm ngưng hoạt động, thiệt hại khó có thể tính toán.
Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã có các khuyến cáo hạn chế đến vùng dịch, đeo khẩu trang phòng hộ và thực hiện cách ly theo quy định, tránh lây lan ra cộng đồng. Vậy mà nhiều người vẫn "sơ ý" lãng quên, không chịu ở yên khi thực hiện tự cách ly tại nhà như trường hợp BN số 26025 đi trên chuyến bay số hiệu VN1274 từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Sân bay Thọ Xuân. Mặc dù có thực hiện khai báo y tế tại trạm y tế xã và được Trạm y tế xã yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã không thực hiện yêu cầu của cán bộ y tế và vẫn đi chợ, đi ăn sáng, tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn xã.
Đợt bùng dịch từ tháng 5 vừa qua ở Hà Tĩnh cũng là do BN không thực hiện đúng cách ly theo quy định. Ông N.V.M. (SN 1962) và vợ là bà N.T.H. (SN 1969) di chuyển từ Bình Dương về Hà Tĩnh đã đến Trung tâm Y tế khai báo y tế, ký cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch và tự cách ly y tế tại nhà ở thôn Đoài Thịnh (xã Thạch Trung), không ra khỏi nơi lưu trú trong thời gian cách ly, không tổ chức liên hoan ăn uống, tụ tập đông người…thế nhưng hai người này đã không thực hiện theo và di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó có đến bãi tắm Lộc Hà, nơi này ngành y tế Hà Tĩnh xác định là ổ dịch lây cho nhiều người.
Gần đây nhất, vụ việc rất nhiều công nhân Công ty TNHH Ampacs International khi nghe tin trong công ty có người dương tính với COVID-19 đã xô cửa của công ty bỏ chạy ra ngoài, không những gây ra cảnh lộn xộn, mất an ninh trật tự mà còn trở thành nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Vì không “ngồi yên” trong quá trình cách ly khi dịch bệnh vẫn còn diễn ra phức tạp, những người này được xem là "tác nhân lây lan", gây nên khó khăn lớn cho ngành y tế nói riêng và tất cả các ngành nói chung. Những thống kê sơ bộ này cũng cho thấy những thiệt hại rất lớn nếu có thêm một ca bệnh không được cách ly và kiểm soát do không tuân thủ đúng việc cách ly theo quy định.
"Ngồi yên" - an toàn cho bạn
Tác động của COVID-19 đến sức khoẻ và tàn phá nền kinh tế như thế nào chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận rất rõ. “Yêu nước là hãy đứng yên” và “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” là khẩu hiệu mong muốn mọi người trong xã hội phải hành động có trách nhiệm với Tổ quốc. Sống chậm lại, hạn chế tiếp xúc xã hội trong thời gian dịch bệnh và thậm chí lùi lại một bước để khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.
COVID-19 ngày càng có nhiều biến chủng phức tạp hơn, dịch bệnh cũng không còn là chuyện của cá nhân ai mà là của cả cộng đồng. Cho nên, bên cạnh việc Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ cơ sở, trang thiết bị, vật tư bảo đảm đầy đủ cho phòng, chống dịch, điều trị phù hợp với diễn biến tình hình,... thì ý thức và trách nhiệm của mỗi người phải đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch.
Những cá nhân còn thiếu ý thức trong đại dịch, “không thích đứng yên” đều cần phải thay đổi. “Đứng yên” hôm nay để sống khỏe cho ngày mai” chính mục đích cao cả mà chúng ta hướng tới.
Ai cũng có lý do riêng, nỗi niềm riêng và đòi hỏi sự thông cảm trong đại dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực chống dịch của Chính phủ và người dân thời gian qua sẽ trở nên vô nghĩa nếu ai đó còn nuôi ý nghĩ "vượt rào". Trong thời điểm hiện tại, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình.