Bảo vệ công nhân trước đại dịch, phương án tối ưu duy trì hoạt động của doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 14:51, 07/07/2021
Tiêm vaccine cho NLĐ - yếu tố then chốt và cấp bách
“Một doanh nghiệp (DN) chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, lao động mất việc không còn thu nhập”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định.
Trong khi đó, dịch bệnh hiện đang rất phức tạp, khó lường và cũng đã xâm nhập vào một số khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các DN có đông người lao động. Trong bối cảnh đó, vấn đề cần tiêm chủng vaccine cho người lao động (NLĐ) để họ ổn định, duy trì sản xuất đã trở thành yếu tố then chốt và cấp bách hơn bao giờ hết...
Nếu như trước đây, biện pháp chống dịch phổ biến trong các nhà máy, doanh nghiệp là đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế trước khi vào nhà máy thì nay nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án bố trí chỗ ở và vận động cho công nhân ở lại ngay trong khuôn viên nhà máy. Tuy nhiên, chủ DN và NLĐ vẫn lo lắng bởi khu công nghiệp, khu chế xuất là những khu vực nguy cơ cao do tập trung đông người cùng một thời điểm, một số nơi làm việc môi trường khép kín, môi trường máy lạnh, là điều kiện thuận lợi khiến dịch bệnh lây lan, chỉ cần 1 người bị mắc COVID-19 nguy cơ lây nhiễm và dịch lan rộng sẽ rất nhanh.
Trước tình hình đó, để bảo vệ sức khỏe và ổn định tâm lý cho NLĐ, để họ yên tâm tiếp tục làm việc, đại diện các Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho các DN được mua vaccine tiêm cho NLĐ, ưu tiên tiêm vaccine cho các DN đông lao động ở khu vực trung tâm dịch.
Vấn đề vaccine ngay lập tức đã nhận được hưởng ứng của cộng đồng DN trong việc chung tay góp sức vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cùng với Chính phủ.
Đặc biệt, các DN trong và ngoài nước hoạt động xuất nhập khẩu có số lượng lao động lớn. Còn các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất, nhưng không phải DN nào cũng có kinh phí để đáp ứng nhu cầu về vaccine cho công nhân.
Với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), họ đề nghị được bỏ tiền túi để hỗ trợ vaccine cho lao động của DN họ. Với DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế, tất cả đều mong muốn khi Việt Nam nhận được số lượng vaccine lớn hơn, họ sẽ được đưa vào diện đối tượng ưu tiên tiếp theo được tiêm vaccine. Ngoài vấn đề kinh phí chi trả cho việc mua vaccine, DN cũng mong muốn cùng đồng hành với Chính phủ để tìm nguồn cung vaccine để đưa về Việt Nam một cách sớm nhất.
Chạy đua bảo vệ công nhân trước dịch
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hiện, một số nơi còn sáng tạo thêm giải pháp ứng phó để nhanh hơn con virus, không để "nước ngập chân mới nhảy", trong đó, một số nơi đang xin thí điểm để các doanh nghiệp tự làm test nhanh COVID.
Chẳng hạn, từ đợt dịch thứ 4, Đồng Nai đã xin Bộ Y tế cho thí điểm để các doanh nghiệp tự làm test nhanh, ngành y tế có trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ lấy mẫu xét nghiệm gửi về cơ sở y tế, nay doanh nghiệp tự test mẫu, đánh giá nguy cơ ngay tại nhà máy để có cảnh báo sớm, giảm thiểu nguy cơ và giảm tải cho ngành y tế.
Vài ngày tới, khi Đồng Nai áp dụng quy định công nhân từ TP.HCM, Bình Dương qua Đồng Nai làm việc hằng ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin VN (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - cho biết công ty đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đồng Nai để làm xét nghiệm cho công nhân. Mặt khác, để kịp tiến độ, các công nhân có thể làm xét nghiệm bên ngoài, công ty sẽ thanh toán lại.
Khi được tập huấn, các đơn vị có thể triển khai test nhanh COVID-19 cho người lao động, nhằm tầm soát nguy cơ lây nhiễm trong đơn vị. Từ đó, doanh nghiệp phát hiện sớm những mầm bệnh đang âm thầm hiện hữu nếu có, giúp khoanh vùng tức thời, giảm được số lượng người phải đi cách ly, cũng giảm được số người phải ngưng sản xuất, giảm quy mô phong tỏa cho doanh nghiệp.
Cách này giúp doanh nghiệp đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, hạn chế tác động của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Có thể nói, dịch chưa kết thúc trong thời gian gần, vì vậy việc quan trọng hiện nay là các tỉnh thành phải cùng ngồi lại bàn liên kết trong kiểm soát dịch và chiến lược tiêm vaccine cho cả vùng. Để làm việc này, cần có ban điều hành chống dịch vùng với các bộ ngành và chủ tịch các tỉnh thành liên quan.
Thông qua ban điều hành, các tỉnh thành phải thông tin cho nhau liên tục các giải pháp giãn cách và diễn biến dịch, phối hợp chống dịch ở những điểm giáp ranh giữa các địa phương; hệ thống y tế trang thiết bị, y phẩm, nhất là vaccine phải mang tính vùng, tập trung những nơi dễ phát sinh ổ dịch lây nhiễm nhanh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)