Tin vắn thế giới ngày 6/7: Toàn cầu gần 185 triệu ca mắc COVID-19, gần 4 triệu người tử vong

Chuyển động - Ngày đăng : 07:21, 06/07/2021

Toàn cầu gần 185 triệu ca mắc COVID-19, gần 4 triệu người tử vong; Ấn Độ đóng cửa bệnh viện trong đường dây tiêm vaccine COVID-19 giả; Gần 8.000 du khách nước ngoài xin giấy chứng nhận nhập cảnh để đến Phuket… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Toàn cầu gần 185 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 4 triệu người tử vong

Theo worldometers.info, cập nhật đến 6h-00 sáng 6/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 184.901.972 ca, trong đó có 3.999.923 người tử vong.

hoa-tang-benh-nhan-covid.jpg
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ.

Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 169.268.203 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.633.846 ca và 77.715 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Thủ tướng Luxembourg mắc COVID-19 'nghiêm trọng nhưng vẫn ổn định'

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel bị mắc COVID-19. Do các triệu chứng của COVID-19 không thuyên giảm nên ông phải nhập viện để theo dõi y tế. Tình trạng hiện tại của Thủ tướng được coi là nghiêm trọng, nhưng ổn định nhưng ông vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi từ 2-4 ngày.

Công nương Kate Middleton tự cách ly do tiếp xúc người mắc COVID-19

Ngày 5/7, người phát ngôn Cung điện Kensington cho biết, Công nương Kate Middleton đang tự cách ly 10 ngày cũng như hủy bỏ các cuộc gặp của cô sau khi một người mà cô từng gặp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Ấn Độ đóng cửa bệnh viện trong đường dây tiêm vaccine COVID-19 giả

Chính quyền thành phố Mumbai ở Ấn Độ đã phong tỏa bệnh viện Shivam và thu hồi giấy phép hoạt động do nghi ngờ bệnh viện này nằm trong đường dây tiêm vaccine COVID-19 giả. Lãnh đạo bệnh viện đã bị bắt giữ.

Đầu năm nay, bệnh viện này đã được đưa vào danh sách các trung tâm tiêm chủng tư nhân và có giấy phép tiêm vaccine COVID-19. Bệnh viện đã nhận được trên 20.000 liều vaccine từ cơ quan dân sự BMC của Mumbai. Tuy nhiên, cảnh sát nghi ngờ bệnh viện đã giữ lại các lọ vaccine COVID-19 đã hết, đổ nước muối vào rồi tiếp tục tiêm cho những người đến sau.

vaccine0507.jpg
Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Gần 8.000 du khách nước ngoài xin giấy chứng nhận nhập cảnh để đến Phuket

Gần 8.000 khách du lịch nước ngoài đã nộp đơn xin Giấy chứng nhận nhập cảnh (CoE) thông qua các đại sứ quán và lãnh sự quán Thái Lan trên khắp thế giới kể từ khi nước này bắt đầu giai đoạn thử nghiệm “Hộp cát Phuket” từ ngày 1/7, trong kế hoạch mở cửa trở lại du lịch đầy tham vọng của quốc gia này.

Trước khi lên máy bay đến Thái Lan, du khách phải có đủ 5 loại giấy tờ, gồm chứng nhận nhập cảnh (CoE), giấy chứng nhận y tế xác nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 không quá 72 giờ trước chuyến bay (trừ trẻ em dưới 6 tuổi), bảo hiểm COVID-19 có hạn mức chi trả ít nhất 100.000 USD, bằng chứng thanh toán tiền ăn ở và xét nghiệm COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 đủ liều ít nhất 14 ngày trước.

Mexico sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik-V đầu tiên

Ngày 5/7, công ty dược phẩm Mexico (BIRMEX) thông báo đã sản xuất thử nghiệm lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V của Nga, nhằm đánh giá độ an toàn và chất lượng tiến tới việc sản xuất đại trà vào cuối tháng 7 này theo kế hoạch đề ra.

Trước đó, ngày 27/6, BIRMEX đã ký một thỏa thuận với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) về các công đoạn sản xuất cuối cùng, gồm dán nhãn và đóng lọ vaccine Sputnik-V tại Mexico.

Hàn Quốc tuyên bố xử lý mạnh tay các cuộc biểu tình quy mô lớn trái phép

Ngày 5/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ có biện pháp xử lý cứng rắn bằng pháp luật đối với các hành vi tập thể vi phạm hướng dẫn phòng dịch COVID-19, trong đó có biểu tình quy mô lớn trái phép.

Thông điệp này của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra sau khi Tổng Liên đoàn lao động tổ chức "Đại hội người lao động toàn quốc" giữa trung tâm thủ đô Seoul vào cuối tuần trước.

Nauy hoãn mở cửa trở lại do lo ngại biến thể Delta

Ngày 5/7, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết nước này sẽ hoãn việc thực thi giai đoạn 4, giai đoạn cuối cùng của quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế do lo ngại biến thể Delta. Kế hoạch này sẽ được hoãn đến ít nhất là cuối tháng này.

Indonesia tìm cách khắc phục tình trạng khan hiếm oxy y tế

Ngày 5/7, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đề nghị Chính phủ giải quyết ngay tình trạng thiếu oxy y tế cho các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là ở Java và Bali.

Theo đó, việc sử dụng tối đa công nghệ thông tin phải được thực hiện để có được dữ liệu chắc chắn và minh bạch, từ đó có thể lập bản đồ về tình trạng sẵn có của giường bệnh và oxy ở các thành phố khác nhau.

Indonesia gia hạn lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ

Ngày 5/7, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng (PPKM) quy mô nhỏ đối với các khu vực bên ngoài đảo Java và Bali từ ngày 6-20/7 tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban Xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia (KPC-PEN) Airlangga Hartarto cho biết PPKM quy mô nhỏ sẽ được siết chặt tại các khu vực được xếp hạng 4 cấp dựa trên các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ca mắc tăng nhanh, Anh vẫn dự kiến kết thúc lộ trình phong tỏa vào ngày 19/7

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/7 xác nhận đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không còn là quy định bắt buộc trong giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa tại nước này, dự kiến vào ngày 19/7 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại phố Downing, Thủ tướng Johnson cho biết ông hy vọng lộ trình dỡ bỏ phong tỏa của Anh sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 12/7 sau khi Chính phủ Anh đánh giá dữ liệu mới nhất.

New Zealand miễn cách ly cho người nhập cảnh từ một số vùng của Australia

Từ ngày 5/7, người từ khu vực Nam Australia, vùng lãnh thổ thủ đô, bang Tasmania và bang Victoria, nhập cảnh vào New Zealand sẽ được miễn cách ly.

Theo Bộ trưởng ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkin, các chuyến bay khứ hồi từ hai bang New South Wales (NSW) và Queensland của Australia dành cho người lưu trú tại New Zealand sẽ được nối lại từ 23h59 ngày 9/7. Tuy nhiên, đến ngày 7/7, giới chức nước này sẽ xem xét việc có hay không khôi phục quy chế miễn cách ly cho người nhập cảnh New Zealand đến từ Queensland (Australia).

Lãnh đạo Đức, Pháp, Trung Quốc họp thượng đỉnh về quan hệ song phương, toàn cầu

Ngày 5/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành hội nghị trực tuyến để thảo luận về quan hệ giữa Liên minh châu âu (EU) với Trung Quốc cũng như các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm.

Thông báo của Phủ thủ tướng Đức cho biết, tại cuộc điện đàm kéo đài hơn 1 giờ, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Trung Quốc chủ yếu thảo luận về quan hệ EU-Trung Quốc, về thương mại quốc tế, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác chống đại dịch COVID-19 và cung ứng vaccine toàn cầu, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.

IMF cảnh báo tốc độ phục hồi kinh tế không đồng đều sau dịch COVID-19

Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình diễn ra ở Paris (Pháp) ngày 5/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của các quốc gia giàu có như Mỹ là "tin tốt lành".

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển lại đang bị kìm hãm do tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn chậm. Bà cho rằng điều này đe dọa sự gắn kết tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định và an ninh trên toàn cầu.

Đức lạc quan về đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 5/7 bày tỏ hy vọng trong vài tuần tới sẽ đạt được một thoả thuận nhằm cứu vãn hỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 năm 2015.

Phát biểu với báo giới tại thành phố Madrid (Tây Ban Nha) sau khi tham dự cuộc họp giải trừ quân bị của nhóm Sáng kiến Stockholm gồm 16 quốc gia, Ngoại trưởng Maas cho rằng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran hiện nay tại Vienna (Áo), vốn được nối lại từ tháng 4 vừa qua, có thể đạt được mục tiêu trong vài tuần tới.

Lãnh đạo Israel và Nga nhất trí gặp song phương thời gian tới

Ngày 5/7, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, thủ tướng nước này, ông Naftali Bennett, đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng.

Nga ngăn chặn một loạt âm mưu khủng bố của IS

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 5/7 cho biết đã ngăn chặn một loạt hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được lên kế hoạch thực hiện ở Nga vào mùa Hè này.

Thông báo của FSB có đoạn: “Nhờ các biện pháp được thực hiện, 6 đối tượng đã bị vô hiệu hóa khi tìm cách chống lại bằng vũ khí và 2 kẻ đã bị bắt giữ”.

Mỹ bắn hạ máy bay không người lái có vũ trang tại Baghdad

Giới chức an ninh Iraq cho biết các lực lượng Mỹ đêm 5/7 đã bắn hạ một máy bay không người lái có vũ trang tiếp cận Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, vài giờ sau một vụ tấn công bằng rocket nhằm vào một căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú ở phía Tây Iraq.

Lại xảy ra tấn công và bắt cóc tại trường học ở Nigeria

Ngày 5/7, một nhóm tay súng đã tấn công một trường nội trú ở Tây Bắc Nigeria, bắt cóc 140 học sinh. Vụ việc xảy ra tại trường trung học Bethel Baptist ở bang Kaduna, nơi thường xuyên chứng kiến các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc do phiến quân có vũ trang tiến hành.

Một giáo viên tại trường cho biết trong số những học sinh bị bắt cóc chỉ có 25 em trốn thoát. Hiện vẫn chưa rõ những học sinh này bị đưa đi đâu.

Afghanistan muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản sân bay Kabul

Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib cho biết chính phủ nước này đang làm việc để đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản an ninh sân bay Kabul sau khi các binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút đi.

Gần 150 người nhập viện sau khi tắm biển bị ô nhiễm ở Algeria

Ngày 5/7, hãng tin AFP của Pháp đưa tin gần 150 người đã phải nhập viện sau khi tắm biển tại khu vực nghi bị ô nhiễm ở thành phố Tenes thuộc tỉnh Chlef, Tây Bắc Algeria.

Theo giới chức địa phương, vụ việc xảy ra một ngày trước đó và nhà chức trách đã yêu cầu đóng cửa 3 bãi biển và một nhà máy khử mặn đồng thời mở cuộc điều tra.

Chìm thuyền ở ngoài khơi Tunisia, đã tìm thấy 21 thi thể

Ngày 5/7, một quan chức an ninh cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã vớt được 21 thi thể sau khi một thuyền chở người di cư bị lật ở ngoài khơi cảng Sfax. Đây là vụ chìm thuyền người di cư thứ hai xảy ra chỉ trong hai ngày qua.

Lụt tại Trùng Khánh (Trung Quốc) và cảnh báo mưa bão trên cả nước

Ngày 5/7, thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc đã nâng cao mức phản ứng với lũ lụt khẩn cấp lên mức 3, trong khi nhiều con sông nước đang dâng cao do mưa lớn kéo dài.

Bạch Dương