Xóa bỏ để thuận tiện và bình đẳng
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:40, 05/07/2021
Trong hơn nửa thế kỷ qua, sổ hộ khẩu được coi như “vật bất ly thân”, loại giấy tờ này gắn liền với mọi người dân Việt Nam trong nhiều hoạt động, lĩnh vực quan trọng của đời sống. Trước thời kỳ đổi mới, hộ khẩu được xem là cơ sở để phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, sổ hộ khẩu là điều kiện cần để công dân có thể làm các thủ tục hành chính như: CMND/CCCD, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, sổ đỏ…; xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, giấy ủy quyền/ủy nhiệm, hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng và đề nghị mua nhà công, mua bảo hiểm.
Là thứ giấy tờ quan trọng chẳng khác nào “sổ gạo” thời bao cấp như vậy, nên hộ khẩu đã quyết định trực tiếp đến không ít số phận người dân. Chẳng nói đâu xa, còn nhớ ngày “chân ướt, chân ráo” rời trường đại học ra nghề vào làm việc tại một cơ quan thuộc UBND TP Hà Nội, tôi cứ vậy mà “vật vã” một thời gian dài với hợp đồng ngắn hạn vì duy nhất lý do “không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội”. Và rồi với lý do “bất khả kháng” đó mà sau nhiều năm dù tha thiết được cống hiến trong một đơn vị của Thủ đô đến mấy tôi cũng phải quyết định từ bỏ.
Nhưng thế cũng có là gì đâu, lúc ấy tôi còn mới ra trường mọi thứ tôi có chỉ là chuyên môn và lòng nhiệt huyết, tôi biết nhiều người, có người đáng tuổi cô, chú tôi đã có nhiều năm công tác tại thành phố, rất được việc trong cơ quan cũng vì hộ khẩu ngoại tỉnh, không thể trở thành nhân viên chính thức, còn chịu thiệt thòi đủ đường về lương bổng và chế độ. Có những người còn mua nhà tại thành phố, nhưng vẫn là “khẩu KT3” vì những lý do nghe ra rất “ngớ ngẩn” như: không có sổ tạm trú 3 năm tại Hà Nội, hoặc không công tác ổn định tại một cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố…
Còn có những người chỉ vì không để ý dến “cái sự ngoằn nghèo, rối rắm” của các điều kiện được nhập khẩu Hà Nội, mà khi đã bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà tại thành phố, nhưng 6-7 năm vẫn không thể đăng ký nổi chỗ cư trú cho mình. Và rất nhiều người dân lao động ngày ngày hít thở, làm việc tại thành phố đến hết đời người, nhưng mỗi khi có việc liên quan giấy tờ lại vội vã về quê- nơi mà chính quyền còn chẳng biết họ đi đâu làm gì mấy mươi năm qua để làm chứng nhận “thường trú” và “quá trình sinh sống”.
Những khái niệm như “KT3”, “khẩu treo”, “trái tuyến”, “tạm trú”… cứ như thế đã gắn chặt không buông những công dân không sinh ra tại Hà Nội, hoặc đã không thể nhập khẩu vào Hà Nội. Không chỉ là cái danh, cái tiếng “người Hà Nội” mà nó còn đeo đẳng, bám diết, trở thành một giới hạn nghiệt ngã đến phi lý đối với sự nghiệp, tới những sinh hoạt hàng ngày như tham gia bảo hiểm, đăng ký trường học cho con, thậm chí cả vay tiền, kết hôn… của một người. Cứ thế, nó can dự và quyết định cuộc đời, số phận của không ít người.
Số liệu khảo sát của Ngân hàng thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cho thấy: Có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỉ lệ ở TP Hồ Chí Minh lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%... Và 70% người dân được khảo sát cho rằng, sổ hộ khẩu đã làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.
Ngày 1/7 vừa qua, Luật Cư trú, Thông tư số 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có hiệu lực pháp luật. Theo đó, công an sẽ dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy. Việc quản lý dân cư sẽ được chuyển từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng "số hóa". Thông tin về hộ khẩu và cư trú của người dân được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Luật Cư trú 2020 mới, công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không có sự phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Thậm chí, những người thuê nhà, mượn, ở nhờ tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó nếu đáp ứng được các điều kiện.
Có thể nói, Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội. Việc chuyển đổi cách quản lý dân cư mới này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà cơ quan nhà nước cũng được hưởng lợi.
Với phương thức quản lý này, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân. Cùng với đó, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước; tạo sự kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt, với cách quản lý số hóa này sẽ công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực không đáng có.
Về phía người dân, sẽ rút ngắn thời gian, kinh phí thực hiện thủ tục, không còn bị gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bỏ sổ hộ khẩu, người dân chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân, không còn tình trạng phải mang quá nhiều giấy tờ theo bên người hoặc gặp khó khăn, thất lạc giấy tờ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Xóa bỏ việc xuất trình sổ hộ khẩu trong các giao dịch và thủ tục hành chính sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân trong các giao dịch thường nhật.
Điều quan trọng nhất, việc xóa bỏ hộ khẩu trên giấy tờ chuyển sang số hóa hộ khẩu còn san bằng khoảng cách về xuất thân, đem lại sự bình đẳng cho mọi người trong tư duy và cả quá trình sinh sống, làm việc. Chính sự thuận tiện và bình đẳng này không chỉ đem lại sự đồng thuận, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước về một xã hội văn minh ngày càng phát triển, mà còn ảnh hưởng trực tiếp, tích cực đến mục tiêu và nỗ lực cống hiến của mỗi cá nhân đối với cơ quan, tổ chức và quốc gia.