Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2021 có thể đạt 9 tỷ USD
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 12:18, 02/07/2021
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng qua, sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1%...
Trong đó, XK thủy sản trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt 865 triệu USD. Đối với mặt hàng tôm, trong tháng 6/2021, XK tôm đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn XK cá tra sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6 khi đạt trên 150 triệu USD. Tổng 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với các sản phẩm hải sản, kim ngạch XK nửa đầu năm 2021 đạt 1.6 tỷ USD, tăng 16%. Riêng trong tháng 6, XK hải sản tăng 21% đạt 312 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm chính là mực, bạch tuộc và cá ngừ đều đang có đà tăng trưởng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với đà tăng trưởng hiện nay, con số 8,8-9 tỷ USD cuối năm 2021 là mục tiêu khả thi và XK thủy sản Việt Nam có thể cán đích 9 tỷ USD cả năm nay.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, để đạt được mục tiêu 9 tỷ USD, các doanh nghiệp cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các địa phương tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất...
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam chia sẻ với báo chí, thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm thủy sản tươi sống tiếp tục giảm, thay vào đó, các thị trường hướng tới những sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản... với giá cả phù hợp cho việc tiêu thụ tại các kênh bán lẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp...; đồng thời, dự trữ nguyên liệu, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Và một điều không thể không nói đến là cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.