Nỗi đau của người đàn bà nghèo có con là hung thủ hiếp dâm, giết người

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 07:00, 27/06/2015

Chỉ sau một vài lần gặp mặt cô nữ sinh tên Trang, Thành đã phải lòng rồi yêu cô say đắm. Nhưng trái ngược với sự si mê của Thành, tình cảm của Trang lại có phần dửng dưng.

Điên cuồng, Thành đã khống chế hãm hiếp cô gái, rồi xuống tay bóp cổ nạn nhân đến chết. Thành phải trả giá cho hành động man rợ của mình bằng bản án tử hình. Không biết phía sau song sắt hắn có ân hận về những điều mình làm hay không, chỉ biết rằng hắn đã để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình nạn nhân, và “giết chết” chính người mẹ già của mình trong đau khổ, tủi cực…

Những ám ảnh đầy nước mắt của người mẹ đơn thân

Có mặt tại đội 2 (xã Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vào một ngày hè oi bức, ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Vũ Thị Lan (mẹ đẻ hung thủ Vũ Văn Thành, 23 tuổi) cô độc trong cái nắng chói chang như đổ lửa ngoài trời. Gọi cửa mãi mà không thấy có tiếng ai đáp lại, vừa lúc quay xe ra định ra về, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ trùm khăn tay phủ xuống kín mặt, mặc bộ quần áo lao động, lầm lũi tiến lại gần. Đoán chừng người phụ nữ khắc khổ này là mẹ của Thành nên chúng tôi đã quay xe trở lại.

Trong căn nhà lụp xụp, những viên gạch đã bắt đầu mục dần theo thời gian, chiếc cửa sổ cũ kĩ phủ đầy rêu, dẫn ánh mắt của chúng tôi ra một khu vườn um tùm cỏ dại. “Từ ngày Thành xảy ra chuyện, cô chẳng thiết gì đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cối quanh nhà, ngoài thời gian ra ngoài làm việc kiếm tiền, cô thường sang hàng xóm chuyện trò cho khuây khỏa...”, người đàn bà lam lũ ngoài 50 tuổi nói như thanh minh, rồi bà cúi xuống giấu hai hàng lệ đang lăn dài.

Nỗi đau của người đàn bà nghèo có con là hung thủ hiếp dâm, giết người

Bà Vũ Thị Lan kể lại những tâm sự đẫm nước mắt

Bà Lan kể, cuộc đời bà cũng có nhiều éo le, Thành sinh ra cũng không được chào đón như những đứa trẻ khác. Thuở xưa bà là một cô thôn nữ xinh đẹp của vùng, biết bao chàng trai đến làm quen, tán tỉnh, nhưng bà vẫn không hề động lòng. Năm bà Lan tròn 18 tuổi, bà xin vào một công ty may mặc trên địa bàn rồi quen và yêu một người kỹ sư tỉnh ngoài. Bà đã không ngần ngại trao cho người đàn ông đó thứ quý giá nhất đời mình, rồi suy sụp khi biết anh này đã hứa hẹn với một người con gái khác ở quê nhà. Khi người đàn ông đó cưới vợ, cũng là lúc cái thai trong bụng bà Lan đã lớn. Thành đã sinh ra trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế.

Thành phải lấy họ mẹ, vì bố Thành không dám thừa nhận con trai để cho Thành có một tờ giấy khai sinh theo đúng nghĩa. Sau ngày ấy, bà Lan khép cửa lòng mình, không lấy ai, dù có nhiều người cũng muốn chia sẻ thật lòng với bà.

Sau một thời gian chung sống với vợ, sinh được 2 người con gái, cũng đôi ba lần bố Thành đã tìm tới xin nhận Thành về nuôi. Nhưng nghĩ lại những đối xử tệ bạc của người đàn ông đó với hai mẹ con mình, nên bà Lan đã không đồng ý, bà chấp nhận cuộc sống nghèo khổ, chấp nhận miệng tiếng “không chồng có con” để nuôi Thành khôn lớn. “Cuộc đời cô chỉ có Thành là thứ tài sản duy nhất, bố mẹ mất sớm, chồng không có nên Thành là chỗ dựa duy nhất giúp cô vượt qua những bão giông cuộc đời…!”, bà Lan tâm sự.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của bà Lan, không có trai tân nào dám đến với bà, những người đến với bà đều đã có gia đình, nên bà chỉ chấp nhận có họ “trong bóng tối” chứ không dám phá vỡ hạnh phúc của họ.

Mơ ước được “làm lại” để con trai nên người

Chính Thành cũng từng chứng kiến nhiều lần mẹ đi với người đàn ông khác, phải nghe những bàn tán của thiên hạ nên tính khí của Thành trở nên lầm lì hẳn. Thành không ngỗ ngược nhưng cục tính và hay cáu, thường tìm chỗ vắng để ngồi một mình, đi đâu bị trêu là về cứ đè mẹ ra đánh.
Học xong cấp 3, Thành nộp đơn thi vào Cao đẳng Y khoa. Đến năm thứ 2 thì Thành bỏ học, về nhà làm đơn đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ, Thành cũng chẳng kiếm được công việc ổn định, toàn phải xin tiền mẹ để tiêu. “Miệng ăn núi lở”, lại nữa sức khỏe ngày một yếu nên bà Lan cũng không làm được nhiều tiền, thỉnh thoảng chiều con bà phải muối mặt đi vay tiền người thân để cho Thành.

Rồi Thành xin mẹ cho đi xuất khẩu lao động, để tìm kiếm vận may đổi đời. Thương con, bà Lan lại chạy vạy khắp nơi để vay tiền đóng lệ phí cho Thành đi Đài Loan. Trong thời gian chờ đợi công ty xuất khẩu lao động gọi nhập học, Thành không ở nhà với mẹ mà chỉ thích la cà, quán xá tối ngày, rồi xin tiền mẹ ra Hà Nội kiếm việc làm thêm. Tiếng là đi làm thêm nhưng tuần nào Thành cũng về xin tiền bà Lan mang đi tiêu xài.

Bà Lan kể, bà đã chiều chuộng Thành vô điều kiện, nhưng trong thâm tâm người mẹ, chưa bao giờ bà nghĩ con trai bà có thể giết người. “Hôm biết tin, cô đã choáng váng mà chết ngất đi mấy lần, rồi gắng gượng chạy đi vay mượn tiền khắp nơi, nhờ người tìm đến nhà cháu Trần Thị Huyền Trang (19 tuổi, ngụ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để tạ tội. Ban đầu cô cũng sợ bị gia đình nạn nhân đánh, chửi. Nhưng khi hiểu hoàn cảnh gia đình cô, bên gia đình Trang đã bỏ qua mà cho cô vào nhà thắp hương…”, bà nhớ lại.

Nỗi đau của người đàn bà nghèo có con là hung thủ hiếp dâm, giết người

Thành là chỗ dựa tinh thần trong ký ức bà Lan

“Cô luôn cầu mong được gia đình bên đó rộng lượng thứ tha, dù biết hành vi tội ác của con trai mình thật đáng sợ. Không hiểu sao Thành nó lại dại dột đến vậy? Giá mà cô nghiêm khắc hơn trong việc dạy con, giá mà cô có thể mang lại cho Thành một mái ấm gia đình và tình thương đủ để bù đắp cho tâm hồn nó, chắc mọi chuyện đã không ra như thế này…”, bà lại nấc nghẹn.

Từ sau ngày Thành phải chịu án tử cho hành động tội ác của mình, ngôi nhà của mẹ con bà Lan càng trở nên lạnh lẽo. Thường ngày, ngoài lúc đi làm bà Lan chỉ sang hàng xóm chơi cho khuây khỏa, tối mù mịt mới về nhà. Hàng xóm ở đây hay bàn tán: “Ngôi nhà bà Lan như có ma, ban ngày chẳng bao giờ thấy người, còn ban đêm lại sáng đèn, có hôm đến 1-2h sáng vẫn thấy bóng bà Lan đi lại trong nhà”.

Theo ông Dương Duy Tuệ (Trưởng Công an xã Hà Lan), gia đình bà Lan là một trường hợp khó khăn đặc biệt. Bà Lan là phụ nữ đơn thân nuôi con. Quả đúng là trước đây dư luận có nhiều điều tiếng không tốt về những quan hệ cá nhân của bà Lan, nhưng đó là chuyện riêng cá nhân, còn trên địa bàn bà Lan là người sống hiền lành, thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân. Thành ở địa phương lầm lì, ít nói, không có tiền án, tiền sự, không ai có thể ngờ Thành có thể gây án dã man đến vậy.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Diễn biến vụ án

Hồ sơ vụ việc ghi lại, vào khoảng 2h sáng 21/11/2012, đối tượng Vũ Văn Thành đã đột nhập vào khu nhà trọ số 24/251 đường Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), nơi có 2 nữ sinh là chị em họ đang học tại Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội thuê trọ. Sau khi bị đâm trọng thương, cô bạn cùng phòng Trang đã chạy thoát ra ngoài kêu cứu. Nhưng phía trong phòng trọ, Thành đã khống chế nạn nhân Trần Thị Huyền Trang. Thành cứ nằm ôm chặt lấy Trang, đòi quan hệ tình dục rồi sẽ thả ra nhưng bị cô chối từ. Mặc cho Trang phản ứng, Thành vẫn khống chế hãm hiếp cô. Sau khi thỏa mãn, Thành đã lạnh lùng bóp cổ cô cho đến chết.

Sau những cố gắng vận động, thuyết phục không thành, khoảng 5h cùng ngày, lực lượng giải cứu phá cửa xông vào. Trang được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Vũ Văn Thành ngay sau đó bị bắt về hành vi “Giết người”. Đến ngày 31/7/2013, sau hơn 8 tháng gây án, Thành bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt tử hình về tội “Giết người” và 5 năm tù về tội “Hiếp dâm”, tổng hợp hình phạt là tử hình.

 

Lam Thanh