Hàng trăm lao động Công ty Ô tô 1-5 thất nghiệp, bị nợ lương
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:22, 01/07/2021
Bà Ngô Thị Mỹ (51 tuổi, ở thôn Kim Tiên, Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), làm tại phân xưởng sơn, vệ sinh văn phòng Công ty 1-5 từ tháng 2/2003. Sau nhiều năm công tác, mức lương trung bình khoảng 4,8 triệu đồng/tháng.
“4,8 triệu đồng với 3,7 triệu đồng tiền lương hưu của chồng là 8,5 triệu đồng/tháng. 8,5 triệu đồng cho gia đình 5 miệng ăn, 2 cháu đang tuổi ăn tuổi học và mẹ chồng đã gần 100 tuổi, thường xuyên đau ốm”, bà Mỹ nhẩm tính.
Bà Mỹ cho biết: “Tháng 5/2019, tôi bắt đầu bị công ty chậm lương, rồi tháng 6/2019 nữa. 8,5 triệu đồng cho 5 miệng ăn một tháng, bị thu hẹp xuống chỉ còn 3,7 triệu đồng. Thịt, cá thành món ăn xa xỉ trong mâm cơm gia đình, thay vào đó là mì tôm”.
Sang năm 2020, bà Mỹ bị chậm lương từ tháng 5/2020 cho tới tháng 4/2021. Rồi công ty cho nghỉ việc. Bà Mỹ thất nghiệp. Bảo hiểm không được đóng từ tháng 8/2016, không được trợ cấp, không ai thuê mướn, cực chẳng đã, bà Mỹ theo đoàn tới công ty biểu tình đòi nợ lương.
Thê thảm không kém là trường hợp bà Phạm Thị Dương (47 tuổi, ở tổ 25, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), làm tại nhà ăn K, Công ty 1-5 từ năm 2003. Năm 2017, chồng bà Dương mất, để lại bà với 2 người con đang tuổi ăn học.
Mọi chi tiêu gia đình trông chờ duy nhất vào đồng lương của bà Dương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi từ tháng 5/2019, bà Dương liên tục bị chậm lương.
“Tiền điện, tiền nước chỉ khoảng 500 nghìn đồng/tháng nhưng nhiều khi không có để đóng. Nhưng nếu không đóng sẽ bị cắt. Tôi lại đành đi vay…”, bà Dương kể.
Tới tháng 8/2020, bà Dương bị công ty cho nghỉ việc. Tổng tháng lương công ty nợ bà Dương là 8 tháng và 17 triệu đồng tiền đi chợ mua đồ ăn. Đòi mãi tới tháng 5/2021, công ty mới trả trước cho bà Dương 17 triệu đồng tiền đi chợ.
Trường hợp nữa là anh Nguyễn Minh Chiến (41 tuổi, ở tổ 24 thị trấn Đông Anh), làm tại phân xưởng CKD, Công ty 1-5. Anh Chiến vào làm tại công ty từ năm 2002, tới tháng 11/2020, lương thấp, lại bị chậm tới 6 tháng lương, anh Chiến nghỉ việc.
Theo anh Chiến, công việc tại công ty bắt đầu mất ổn định từ năm 2017. “Khi này, công việc túc tắc, buổi đực buổi cái, tháng nhiều được 15 buổi. Lương theo định mức, trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, có tháng ít chỉ 3 triệu đồng. Bí quá, tôi đi ra ngoài bắn mái tôn, khi lại dán vải tường… Nói chung, ai thuê gì làm đấy”, anh Chiến kể.
“Vợ mới sinh cháu thứ 3, bố mẹ là công nhân mất sức, đều trên 70 tuổi. Tôi là lao động chính, nếu không nhảy ra ngoài làm thì không nuôi được gia đình. Đi làm ngoài cũng vất vả. Nhiều khi người ta chưa có lương để trả mình. Tới kỳ đóng học cho con, không có lại phải nói vợ đi vay”, anh Chiến cho biết thêm.
Cũng như bà Dương và bà Mỹ, anh Chiến không được đóng bảo hiểm từ tháng 6/2016 tới khi nghỉ việc. Anh Chiến cho biết, dịch Covid-19, theo chủ trương của Nhà nước chúng tôi sẽ được hưởng trợ cấp, nhưng do công ty không đóng bảo hiểm, nên không công nhân nào được hưởng.
Trên đây chỉ là 3 trong hơn một trăm người lao động thất nghiệp, bị Công ty 1-5 chậm lương, chậm đóng bảo hiểm suốt từ tháng 6/2016 tới nay. Theo phản ánh, người nào ít thì bị chậm 2 đến 5 tháng lương, người bị chậm nhiều nhất lên tới 14 tháng lương.
Khi người lao động kéo tới biểu tình, đòi nợ lương, ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần ô tô 1 – 5 lặng lẽ ngồi một góc trong nhà xe. Chờ mọi người làm việc với phóng viên xong, ông Nam mời phóng viên vào trong công ty trao đổi. Ông cho biết: "Bản thân lãnh đạo Công ty chúng tôi cũng không được đóng bảo hiểm".
Theo ông Nam, vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm là thực trạng của công ty, hoàn toàn chính xác. “Hiện công ty đang nợ bảo hiểm số tiền 14,636 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 7,9 tỷ đồng, nợ lãi là 6,7 tỷ đồng. Còn lương, công ty nợ của khoảng hơn 100 người lao động, với tổng số tiền trên dưới 2 tỷ đồng.Chúng tôi rất trăn trở và xin nhận thiếu sót”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trước khi người lao động phản ánh tới báo chí, ngày 11/5/2021, ban lãnh đạo công ty cũng đã có buổi làm việc với đại diện người lao động. Tại buổi làm việc, tổng giám đốc công ty cam kết ngày 10/7/2021 sẽ trả lương cho người lao động kỳ lương tháng 5/2019, sau đó tiếp tục xây dựng lộ trình trả phần lương còn nợ cho người lao động. Song thực sự rất khó khăn, bởi hiện nay công ty không có doanh thu từ sản xuất kinh doanh một cách liên tục.
Tuy nhiên, công ty có công nợ cần thu rất lớn, gần 130 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh, đã được xác nhận công nợ từ tháng 7/2019, trên cơ sở hợp đồng hợp tác. “Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh thanh toán để công ty lấy tiền trả công nhân, đóng bảo hiểm nhưng Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh vẫn chưa thực hiện theo cam kết. Giờ Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh chỉ cần thanh toán một phần công nợ, thì mọi vấn đề của người lao động sẽ được giải quyết”, đại diện Công ty 1-5 cho biết.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.