Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:59, 30/06/2021
Cùng tham dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại học Luật Hà Nội, Bộ Công an, VKSNDTC, Tòa án địa phương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý…
Đề án được Ban cán sự đảng TANDTC xây dựng thực hiện theo Chương trình số 08-CTr/BCĐCCTPTW ngày 28/02/2021 về Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cho biết, Ban cán sự đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem đây là một dịp quan trọng để làm tiếp những thành tựu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng công việc.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao lãnh đạo TANDTC xây dựng "Đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp". Có thể nói đây là một phần trong toàn bộ chương trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp sẽ được BCH Trung ương đưa ra thảo luận vào cuối năm 2022.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, việc tham gia của nhân dân tham gia vào quá trình xét xử có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, nhân dân trực tiếp tham gia vào quyền lực nhà nước, đảm bảo các bản án tuân thủ pháp luật và chuẩn mực về công lý, tạo ra niềm tin của công chúng vào công lý, đồng thời cũng là một cơ chế kiểm soát quyền lực.
Theo Đề án nhận định, đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, các đạo luật tố tụng tư pháp thông qua chế định Hội thẩm. Việc Hội thẩm tham gia xét xử bảo đảm thực hiện nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, thể hiện bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, Hội thẩm góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Hội thẩm cùng với Thẩm phán nhận định, đánh giá và đưa ra quan điểm, phán quyết giải quyết vụ án “thấu tình” “đạt lý”, qua đó bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn công tác xét xử cũng cho thấy việc thi hành chế định Hội thẩm trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tư pháp.
Theo nội dung của Đề án, việc hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án nhằm đạt được các mục tiêu cơ bản như: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu về sự tham gia của nhân dân vào công tác xét xử của Tòa án, góp phần giảm áp lực cho Thẩm phán; bảo đảm cho Tòa án thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Tạo cơ chế, chính sách để huy động sự tham gia rộng rãi của đông đảo tầng lớp nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án, gia tăng niềm tin của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án, hướng tới xây dựng nền tư pháp thân thiện, gần gũi với nhân dân;
Xây dựng cơ chế lựa chọn nhân dân tham gia công tác xét xử của Tòa án bảo đảm người được lựa chọn đủ tiêu chuẩn, chất lượng, không phụ thuộc vào tiêu chí bằng cấp hoặc trình độ hiểu biết pháp luật để tạo sự khách quan, công bằng, không thiên vị khi xét xử; Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của người được lựa chọn khi tham gia vào công tác xét xử của Tòa án phù hợp với vị trí, vai trò của chức danh họ trong xét xử. Không để họ phải thực hiện những nhiệm vụ vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Dự thảo Đề án đã đưa ra 07 giải pháp để hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án: Thứ nhất, hoàn thiện chế định Hội thẩm theo hướng: Mở rộng việc lựa chọn các thành phần, đối tượng tham gia làm Hội thẩm; Quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa; Cơ cấu lại thành phần Hội đồng xét xử; Tăng cường tính chuyên môn của Hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù; Xây dựng cơ chế xử lý khi thành viên Hội đồng xét xử có quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án; Mở rộng phạm vi và tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn. Thứ hai, bổ sung chế định Hội thẩm đoàn tham gia xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự theo hướng tăng số lượng Hội thẩm tham gia phiên tòa; Hội thẩm chỉ tham gia vào việc xác định sự thật của vụ án, không tham gia vào việc áp dụng pháp luật. Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho Hội thẩm. Thứ tư, hoàn thiện chế độ, chính sách. Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thứ sáu, thí điểm xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự bằng Hội đồng xét xử và Hội thẩm đoàn. Thứ bảy, thí điểm xét xử bằng Hội đồng xét xử gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm có chuyên môn về các lĩnh vực tương ứng đối với một số vụ án có tính chất đặc thù về kinh tế-tài chính, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, môi trường, xây dựng cơ bản..., vụ án về lao động, hôn nhân-gia đình hoặc vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý thống nhất cao nội dung của Dự thảo Đề án, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.