Tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 21:09, 04/12/2014
Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi); đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, VKSNDTC; các nhà khoa học; thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC; đại diện lãnh đạo TAND các tỉnh phía Bắc…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trải qua hơn 3 năm thi hành, Luật TTHC đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ XHCN, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm trình tự và thủ tục TTHC dân chủ, công khai; đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác, công minh, đúng pháp luật. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu nêu ra tất cả những vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật TTHC và các văn bản quy phạm pháp luật để trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện quy định của Luật TTHC.
Thay mặt Tòa Hành chính TANDTC, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến, Chánh tòa đã khái quát việc tổng kết thực hiện thi hành Luật TTHC. Qua 3 năm thực hiện, Luật TTHC đã góp phần rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho hoạt động tố tụng. So với những quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì việc xây dựng và ban hành Luật TTHC đã có bước tiến đột phá trong công tác xây dựng pháp luật TTHC của nước ta, đã sửa đổi căn bản toàn diện thủ tục giải quyết vụ án hành chính tại TAND. Luật TTHC đã khắc phục những thiếu sót, hạn chế của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trong việc xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Cụ thể là, tại khoản 1 Điều 3 Luật TTHC quy định về Quyết định hành chính như sau: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện thực thi quyền khởi kiện của mình và Tòa án dễ dàng trong quá trình thụ lý và giải quyết những vụ án hành chính khi mà đối tượng khởi kiện không được ban hành dưới hình thức quyết định mà nó có thể được ban hành dưới một hình thức khác như thông báo, công văn…
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngoài ra, Luật TTHC không quy định giai đoạn tiền tố tụng là điều kiện bắt buộc để khởi kiện vụ án hành chính đã đơn giản hóa điều kiện khởi kiện, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền khởi kiện của mình. Người khởi kiện có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện tại Tòa án (trước đây người khởi kiện bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện tại Tòa án). Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức đã lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn để giải quyết mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với kết quả đó thì họ vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính đã được mở rộng và có tính khái quát khi Luật TTHC quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng loại trừ mà không phải là quy định theo hướng liệt kê trước đây. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định hợp lý hơn trước đây; quy định Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án cũng giúp cho người dân thuận lợi hơn trong giải quyết vụ việc… Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật TTHC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn; có những quy định chưa phù hợp, còn có cách hiểu khác nhau; có những quy định chưa thể hiện rõ quyền tranh tụng của đương sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…
Trong phần thảo luận, đồng chí Trương Hòa Bình đã định hướng những vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận. Theo đó, để sửa đổi toàn diện Luật TTHC phù hợp và đáp ứng yêu cầu chủ trương đường lối của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cải cách tư pháp thì Luật TTHC (sửa đổi) phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Luật TTHC (sửa đổi) phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân; phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong TTHC; quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh, thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự; về thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các khiếu kiện hành chính; thẩm quyền loại việc, nhận và thu lý đơn khởi kiện, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, về các chi phí tố tụng, về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa những nội dung của Hiến pháp năm 2013 trong Luật TTHC (sửa đổi), về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính (nhìn từ kinh nghiệm các nước), về thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, về quyền tư pháp trong TTHC…
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) đề nghị Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật TTHC. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) để khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, nhằm đáp ứng mục tiêu sửa đổi Luật TTHC một cách toàn diện, phù hợp với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đến năm 2020.