Con rể thảm sát nhà vợ: Cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức, lối sống
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 20:14, 28/06/2021
Cái tôi ích kỷ và coi thường pháp luật
Như Báo Công lý đã đưa tin, vụ con rể thảm sát cả gia đình nhà vợ xảy ra tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khiến 3 người trong một gia đình tử vong khiến người dân địa phương bàng hoàng.
Ba nạn nhân bị sát hại gồm: ông Đào Đình Cửu (75 tuổi), bà Vũ Thị Mộc (75 tuổi, là bố mẹ vợ Thịnh) và chị Đào Thị Sim (43 tuổi, vợ Thịnh) đều trú thôn Bái Trang.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, khoảng hơn 8h, ngày 28/6, Đào Văn Thịnh (SN 1978, trú tại thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ) đến nhà ông Đào Đình Cửu, bà Vũ Thị Mộc là bố mẹ vợ ở cùng thôn để nói chuyện.
Trong lúc nói chuyện thì xảy ra mâu thuẫn, Thịnh đã dùng dao chém vào người bố mẹ vợ và vợ là chị Đào Thị Sim làm các nạn nhân tử vong tại chỗ. Ngay sau khi gây án, Thịnh đã đến Công an xã Quỳnh Hoa đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Thịnh khai nhận, do mâu thuẫn chuyện tình cảm nên giữa hai vợ chồng Thịnh sống ly thân. Vợ Thịnh về sống cùng bố mẹ đẻ.
Sáng ngày 28/6, Thịnh biết tin vợ có ý định gửi đơn ra tòa ly hôn nên đã tìm đến nhà bố mẹ vợ ở thôn Bái Trang. Tại đây, Thịnh tiếp tục xảy ra cãi vã. Trong lúc tức giận đối tượng đã dùng dao đoạt mạng cả bố mẹ và vợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý dưới góc nhìn tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhìn nhận nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh ý định phạm tội, thúc đẩy đối tượng ra tay sát hại vợ cùng gia đình bên ngoại của mình, rất có thể là do những bức xúc tâm lý bị dồn nén do mâu thuẫn tích tụ từ lâu trong đời sống chung giữa 2 vợ chồng.
Khi mâu thuẫn tới đỉnh điểm mà không có cách tháo gỡ, trước nguy cơ tan vỡ gia đình do vợ làm đơn xin ly hôn, đối tượng càng thấy bế tắc, chán nản.
Mặt khác, có thể sự tự ái vì cái tôi bị tổn thương do hành động xin ly hôn của vợ, dẫn tới tâm lý bất chấp mọi ràng buộc về pháp luật và luân lý để xuống tay tàn bạo với người thân của mình, phản ánh sự bế tắc trong tư duy của đối tượng.
Tuy nhiên, dưới góc độ tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc đau lòng này, nằm ở sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đối tượng gây án. Bởi vì không phải ai ở hoàn cảnh này cũng lựa chọn cách xử sự như đối tượng.
“Trong đặc điểm tâm lý cá nhân của thủ phạm đã chứa đựng sự suy thoái, lệch lạc do sự tương tác với các yếu tố tiêu cực trong môi trường sống của mình. Nhân cách sai lệch này, với đặc trưng là sự hung hãn, côn đồ, coi thường tính mạng người khác, cái tôi hiếu thắng quá cao, thái độ khinh nhờn pháp luật, là kết quả của quá trình xã hội hóa cá nhân trong môi trường bất lợi như đời sống khó khăn, văn hoá xuống cấp, đạo đức suy đồi, lối sống thực dụng, ích kỷ, coi trọng đồng tiền, sẵn sàng làm mọi việc vì lợi ích của mình, coi thường chuẩn mực luân lý và pháp luật, ưa dùng bạo lực trở thành xu hướng ứng xử của một bộ phận người dân”. Trung tá Hiếu lý giải.
Cũng theo ông Hiếu, khi nhân cách của đối tượng đã chứa đựng những lệch lạc nguy hiểm, thì khi gặp tình huống mâu thuẫn trong đời sống, cái tôi ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật đã thúc đẩy đối tượng lựa chọn biện pháp bạo lực để giải tỏa trạng thái tâm lý tiêu cực. Khi bàn tay đã dính máu 1 người, đối tượng lâm vào trạng thái tâm lý không còn gì để mất bởi đã phạm trọng tội, nên việc tiếp tục giết hại những người khác trong cơn say máu là điều dễ hiểu, đi ra từ sự kích động và suy nghĩ làm mọi việc để giải tỏa cơn giận dữ.
Chính quyền địa phương chưa có những giải pháp phòng ngừa tích cực
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường Đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ, đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng. Nhiều vụ thảm sát do mâu thuẫn gia đình đã xảy ra và nguyên nhân một phần do chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và có những giải pháp phòng ngừa tích cực.
Theo luật sư Cường, khi mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn trong gia đình vượt ra khỏi khuôn khổ đạo đức xã hội, tiếng nói của những người trong gia đình không còn trọng lượng thì vai trò, trách nhiệm của đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức can thiệp, hòa giải, đóng vai trò rất quan trọng.
“Cần phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội và chính quyền cơ sở trong việc hòa giải giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình ở địa phương. Cần phải có những hoạt động để nắm bắt thông tin, tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp phòng ngừa tránh những vụ việc xung đột có thể xảy ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ở nơi nào xảy ra những vụ việc nghiêm trọng mà thiếu trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Để giảm bớt được những vụ thảm sát đau lòng, luật sư Cường cho rằng cần phải thực hiện kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp từ nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao văn hóa tôn trọng tính mạng sức khỏe của người khác đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hòa giải cũng như giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
Đặc biệt, cần rèn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ để khi bước vào hôn nhân có đầy đủ kỹ năng xử lý các tình huống có vấn đề, biết cách kiềm chế cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình bằng những hiểu biết, nhận thức, kỹ năng của mình. Biết cách vận dụng những mối quan hệ thân thiết trong gia đình, biết tìm đến cơ quan chức năng trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp.
Khi vụ việc phải đưa đến pháp luật thì cần phải có sự tư vấn pháp lý, hỗ trợ kịp thời về góc độ pháp lý cũng như có những giải pháp ngăn chặn. Trường hợp, vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng, hôn nhân đổ vỡ thì thủ tục giải quyết vụ án ly hôn cần phải nhanh chóng, kịp thời, phải có những giải pháp phòng ngừa tránh trường hợp đương sự vì mâu thuẫn mà xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nhau, gây mất an ninh trật tự.