Phúc thẩm vụ án tại BIDV: Cựu TGĐ Công ty Bình Hà nói gì khi kháng cáo kêu oan?

Pháp đình - Ngày đăng : 16:15, 28/06/2021

Sau khi kết thúc phần thủ tục, công bố bản án sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm đã tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) gây thất thoát gần 1.700 tỷ đồng.
97897b47-31cc-4ebf-a590-993cb5b350cb(2).jpeg
Bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) trình bày trước HĐXX

Cựu TGĐ Công ty Bình Hà nói gì về việc bán bò?

Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà), là người kháng cáo kêu oan trong vụ án cho rằng, việc bị cáo bị quy kết như bản án sơ thẩm đã nêu là chưa thỏa đáng, chưa hợp lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng nhiều lần khẳng định không chỉ đạo việc bán bò và thu tiền bán bò. Theo bị cáo, trong đơn kêu oan, bị cáo chưa trình bày đầy đủ nên tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo Đinh Văn Dũng khai rõ về quá trình làm việc trên cương vị là Tổng giám đốc Công ty Bình Hà. Trong thời gian đó, Công ty Bình Hà có bán bò nhưng bị cáo không chỉ đạo việc bán bò, không chỉ đạo việc thu tiền bán bò.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ...

Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV), BIDV và BIDV – chi nhánh Hà Tĩnh đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn với các điều kiện ưu đãi về vốn tự có và tài sản đảm bảo.

Quá trình giải ngân đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỉ đồng.

a7ae5703-e1be-4177-9dcc-eec67bd9aa99.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Theo lời khai của bị cáo Đinh Văn Dũng tại phiên phúc thẩm, bị cáo đã từng bị bãi miễn chức danh Tổng giám đốc và HĐQT Công ty đã đưa bị cáo Trần Anh Quang lên thay. Do Trần Anh Quang không quyết toán được một số công việc với các Nhà thầu mà trước đây Dũng đã ký kết nên Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đã bổ nhiệm lại chức danh Tổng giám đốc của Dũng để hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán với các Nhà thầu.

Với hành vi chiếm đoạt tiền bán bò như bị quy kết, cơ quan công tố cho rằng theo quy định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.

Bản án sơ thẩm cũng xác định do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai Trần Bắc Hà, Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của BIDV là hơn 149 tỉ đồng.

Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng bị xác định chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền 23,5 tỉ đồng Công ty Hantechco thu tiền bán bò chuyển vào tài khoản cá nhân của 3 cổ đông theo yêu cầu của Đinh Văn Dũng; chịu trách nhiệm cá nhân số tiền 11 tỉ đồng Dũng góp vốn.

Sau khi phạm tội, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế; đồng thời ra Quyết định tách vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Ngoài bị cáo Đinh Văn Dũng, vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam) cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

af7ef3e0-c085-45bc-be83-417b993b325e.jpeg
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng

Theo bản án sơ thẩm, 2 vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng bị tuyên phạt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; trong đó, bị cáo Đoàn Hồng Dũng bị tuyên mức án 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù.

Theo đó, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, 2 vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng đã có sự thống nhất là sử dụng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty đầu tư Trung Dũng để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO nhằm nhánh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với công ty.

Tiền thu được từ việc bán hàng, 2 vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết với BIDV; mà dùng để trả nợ cho Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng và sử dụng vào mục đích khác.

Tại phiên phúc thẩm, 2 vợ chồng của bị cáo Đoàn Hồng Dũng đều mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn cũng cho biết bản thân không trực tiếp kinh doanh nhiều mà chỉ làm theo chỉ đạo của chồng. Với số tiền bị quy kết chiếm đoạt hơn 260 tỉ đồng, nữ bị cáo cho rằng đang nhờ người thân, gia đình đỡ đần để có thể trả nợ dần theo lộ trình.

Con gái ông Trần Bắc Hà giữ nguyên nội dung kháng cáo

Là người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ, tại tòa, chị Trần Lan Phương cho biết, giữ nguyên nội dung kháng cáo của bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà).

Chị Phương không đồng tình với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định tiếp tục kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu ông Trần Bắc Hà - bà Ngô Kim Lan và 2 bất động sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đứng sở hữu bà Lan.

Chị Phương cho rằng, 2 bất động sản đứng tên cá nhân bà Lan là tài sản riêng của mẹ. Theo trình bày của chị, bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là do bà Lan được em gái tặng vào năm 2013.

Còn bất động sản sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, bà Lan mua từ năm 2005. “Mẹ tôi lo liệu tích góp để tạo lập được tài sản riêng. Ngoài ra, còn 5 tài sản khác cũng do mẹ tôi tự tạo lập ra”, lời chị Phương.

Vẫn theo trình bày của con gái ông Trần Bắc Hà, trước đây bà Lan làm kiểm toán. Ngoài các công việc ở cơ quan nhà nước, bà còn kinh doanh bất động sản.

Năm 2017, vợ chồng ông Trần Bắc Hà có thỏa thuận, bất động sản ở 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là tài sản riêng của bà Lan.

Về số tiền 7 tỷ đồng trong tài khoản của bà Lan đang bị phong tỏa, chị Phương khẳng định, đó là tiền mà Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn chuyển vào tài khoản của mẹ. “Mẹ dặn dò, đây là tiền công ty”, lời chị Phương.

Sụt sùi khóc, chị Phương trình bày: “Thay mặt mẹ, tôi xin HĐXX được giữ lại 2 bất động sản là nơi chị em tôi sinh sống”.

Theo bản án sơ thẩm, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đã chỉ đạo các cá nhân tại Công ty Bình Hà chiếm đoạt tiền của BIDV, đồng thời dùng số tiền đó góp vốn vào Công ty Bình Hà, làm vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân.

Hậu quả vụ án xảy ra có một phần lớn trách nhiệm của Tùng. Vì vậy, cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả với BIDV.

Trước đó, chị Nguyễn Phương Uyên Bình có đơn đề nghị giải tỏa các tài khoản của Trần Duy Tùng.

Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm xét thấy chị Bình và Trần Duy Tùng chỉ chung sống với nhau, không có đăng ký kết hôn, không phải là vợ chồng hợp pháp, do đó ý kiến như trên của chị Bình không được chấp nhận.

Sau phiên tòa sơ thẩm, chị Bình có đơn kháng cáo về số tiền hơn 5 tỷ đồng trong tài khoản của Tùng bị kê biên. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, chị Bình rút đơn kháng cáo.

Mạnh Hùng