Ấn Độ lại phát hiện một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới
Chuyển động - Ngày đăng : 23:17, 27/06/2021
Nội dung bài báo trên tạp chí The Journal of Infections and Public Health (Nhiễm trùng và Sức khỏe cộng đồng) cho biết, virus Nipah thường tìm thấy ở dơi cáo bay (thuộc chi Dơi quạ) và chuột. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp virus Nipah vào danh sách những loại virus nguy hiểm nhất thế giới.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện, virus Nipah thường lây cho những người đã ăn trái cây dính nước bọt của con vật mang mầm bệnh. Đồng thời, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vaccine nào chống lại virus này và tỷ lệ tử vong trong số các ca bệnh lên tới từ 40 - 75%.
Trước đó, ở Ấn Độ ghi nhận 4 đợt bùng phát đại dịch virus Nipah. Thông báo phát hiện virus Nipah lần đầu tiên là ở bang Tây Bengal vào năm 2001 và 2007; hai lần nữa vào năm 2018 và 2019 ở bang Kerala.
Bài báo cũng cho biết, ở những đợt tái bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ tử vong cao, đồng thời virus có khả năng lây truyền từ người sang người; trong khi tình trạng thiếu vaccine cũng như thuốc kháng virus hiệu quả đang gây lo âu nghiêm trọng ở Ấn Độ, bởi dơi rất phổ biến ở những khu vực đông dân cư.
Các nhà khoa học lưu ý rằng kể từ tháng 3/2020, họ đã kiểm tra mẫu 80 con dơi thuộc loài Rousettus leschenaultii và Pipistrellus Pipistrellus sống trong hang động Mahabaleshwara và tìm thấy RNA và kháng thể chống virus Nipah trong cơ thể chúng.
Tuy nhiên, các chuyên gia tuyên bố rằng phát hiện này đòi hỏi phải nghiên cứu thêm vì chưa thể rút ra kết luận nào chắc chắn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah (NiV) là một loại virus lây truyền từ động vật sang người có thể lây truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc trực tiếp giữa người với người. Những người bị nhiễm virus này sẽ bị các bệnh từ nhiễm trùng không có triệu chứng (cận lâm sàng) đến bệnh đường hô hấp cấp tính và thậm chí có trường hợp tử vong do viêm não.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng đưa ra nhiều triệu chứng của bệnh này gồm sốt, nôn mửa, đau đầu, mất phương hướng, co giật và thậm chí hôn mê. CDC cũng lưu ý rằng, các triệu chứng thường xuất hiện từ bốn đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Virus Nipah được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1999 tại Malaysia. Không có vụ bùng phát nào khác được ghi nhận ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó. Nó cũng đã được báo cáo ở Bangladesh, bắt đầu từ năm 2001. Theo báo cáo của WHO, hầu như mỗi năm, quốc gia này đều trải qua các đợt bùng phát virus.
WHO cũng cho biết, các quốc gia Campuchia, Ghana, Philippines, Indonesia, Madagascar và Thái Lan có nguy cơ lây nhiễm do phát hiện ổ chứa tự nhiên của virus, chủ yếu là loài dơi Pteropus.
Các đợt bùng phát trước đây được ghi nhận ở các vùng của châu Á gây lo ngại vì tỷ lệ tử vong của nó thay đổi từ 40 đến 75%. Ngược lại, theo báo cáo của Đại học Hoàng gia Anh do The Sun trích dẫn, tỷ lệ tử vong đối với dịch Covid-19 chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cho đợt bùng phát virus Nipah có khả năng nguy hiểm hơn.