Người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật từ các vụ án buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã

Pháp luật - Ngày đăng : 11:48, 27/06/2021

Những bản án tù được tuyên đối với các bị cáo có hành vi mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân.

Hòa Bình là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có địa hình núi trung bình, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Với kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiều con Sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi… là điều kiện thích hợp cho hệ động thực vật phát triển phong phú, đa dạng.

Các đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như quốc lộ số 6 đi qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Mai Châu nối liền với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc khác. Quốc lộ 15A, 12A đi từ huyện Mai Châu nối quốc lộ 6 với các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình. Hoặc quốc lộ 21 có điểm đầu là ngã ba giao cắt với đường quốc lộ 32, trước cửa ngõ vào thành phố Sơn Tây, điểm cuối là thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 21 qua địa bàn là những cung đường kết nối giao thương buôn bán cũng là tuyến các đối tượng lợi dụng để vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Thêm vào đó, tại các khu vực miền núi đa phần là dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông… sinh sống nên nhận thức về các quy định của pháp luật trong đó có mua bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã còn nhiều hạn chế. Người dân thường bị các đối tượng lợi dụng để tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới các loại động, thực vật đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cho người dân, các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình còn mạnh tay xử lý, xét xử các đối tượng "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Cụ thể như việc khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đặng Văn Bảy (SN 1969) trú tại xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ) vận chuyển trái phép 3 cá thể rắn hổ mang chúa (thuộc nhóm 1B), trọng lượng khoảng 7 kg đi tiêu thụ. Lực lượng chức năng tạm giữ đối tượng Bùi Văn Điệp (SN 1980), trú tại xóm Mán (xã Hưng Thi, Lạc Thủy) vận chuyển 6 cá thể động vật loài khỉ hoang dã (đã chết, ướp đá lạnh, được Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật xác định là loài khỉ thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB). 

Vào giữa tháng 5/2021, công an tỉnh Hòa Bình bắt Bùi Trung Nghĩa (SN 1994), trú tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu) đang vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 cá thể rùa hộp trán vuông, 7 cá thể rùa đầu to (thuộc nhóm IB quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ); 2 cá thể lợn lửng. Mở rộng điều tra, khám xét nơi ở, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện, thu giữ 2 cá thể cầy vòi mốc (thuộc nhóm IIB quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ), 2 túi có chứa các cá thể rắn ráo có tổng trọng lượng 5,1 kg. 

bicaolan.jpg
Bị cáo Lan tại phiên sơ thẩm

Vừa qua, TAND TP Hòa Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo là Trần Ngọc Lan (SN 1976), trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình và Nguyễn Thị Oanh (SN 1979) trú tại TP Hòa Bình về hành vi "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Quá trình xét xử, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật do nhận thức về động vật hoang dã còn hạn chế. Các bị cáo đã vận chuyển con rắn hổ mang chúa về TP Hòa Bình để tiêu thụ là vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự. 

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Đinh Trường Sơn, TAND TP Hòa Bình nhận định: Việc mua bán, vận chuyển tiêu thụ động vật hoang dã được các đối tượng thực hiện tinh vi, nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên chủ yếu được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ nơi khác về để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, hoặc trung chuyển đến các địa phương khác. Tất cả các vụ việc phát hiện, bắt giữ đều bị cơ quan chức năng xử lý đúng quy định. Bản án 12 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) đối với Trần Ngọc Lan là hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe không chỉ với những bị cáo trong vụ án này, mà cũng là lời cảnh tỉnh cho những kẻ bất chấp quy định pháp luật. 

Bằng các bản án đã được tuyên góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc đấu tranh, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Qua đó hệ sinh thái được cân bằng, những loài có tên trong sách đỏ không bị đe dọa hay trở nên tuyệt chủng do con người biến thành đồ nhắm.


Thanh Phương