Vaccine Sputnik V an toàn đối với phụ nữ mang thai

Chuyển động - Ngày đăng : 23:36, 25/06/2021

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V an toàn cho phụ nữ mang thai, Sputnik đưa tin.

Phát biểu tại cuộc họp Đoàn Chủ tịch Hội đồng Điều phối phòng, chống COVID-19, ông Murashko cho biết: Hiện nay, dựa trên kết quả tích cực của các nghiên cứu tiền lâm sàng về tính an toàn của vaccine, cũng như dữ liệu tích lũy về hiệu quả và độ an toàn trong các thử nghiệm lâm sàng và giai đoạn sau đăng ký, cộng đồng chuyên gia, các chuyên gia quyết định “loại bỏ chống chỉ định sử dụng vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V) ở phụ nữ mang thai”.

phu-nu-mang-thai-tiem-sputnik.jpg
Vaccine Sputnik V an toàn đối với phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang trở nên nghiêm trọng ở Nga và nhiều quốc gia khác, khi mở ra khả năng tiêm chủng cho phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hôm 17/6, người đứng đầu Bộ Y tế Nga cho biết, quyết định về khả năng sử dụng vaccine Sputnik V để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ở phụ nữ mang thai “có thể được đưa ra trong vòng một hoặc một tuần rưỡi tới”.

Vào thời điểm đó, theo ông, số phụ nữ mang thai bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga đang đến gần con số 10.000 người, và các trường hợp bệnh diễn tiến nặng cũng đã được ghi nhận.

Tháng 8/2020, Bộ Y tế Nga đã đăng ký vaccine đầu tiên trên thế giới phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Gamaleya phát triển, mang tên Sputnik V.

Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, thực chất đây là hai loại vaccine khác nhau, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vector là virus rAd26 (cùng loại với vaccine đang được phát triển bởi Johnson & Johnson và Trường Y Harvard). Liều thứ hai là các vector rAd5 (cùng loại với vaccine được CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).

sputnikv-nga.jpg
Vaccine Sputnik V của Nga

Các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V đã được công bố ở UAE, Ấn Độ, Venezuela và Belarus cho thấy, hiệu quả đạt đến 91,4% sau 28 ngày khi tiêm liều vaccine đầu tiên (7 ngày sau liều thứ hai). Hiệu quả này lên đến 95% sau 42 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên.

Các nhà khoa học Nga cho rằng, việc tiêm một vaccine thứ hai khác mũi một sau 21 ngày sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Đồng thời, điều này được hi vọng là sẽ kéo dài khả năng miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều một loại vaccine hoặc 2 liều cùng một loại vaccine.

Ông Alexander Gintsburg (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga) cho biết: vaccine Sputnik V được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola và có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-Cov-2 trong vòng 2 năm.

Nhật Minh