Đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất tại các khu công nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 11:26, 25/06/2021

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mới đây, UBND tỉnh Bắc giang đã ban hành phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) khôi phục sản xuất.

Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến ngày 1/7, cơ bản các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất trở lại…

Cụ thể, tỉnh dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tháng 8 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tháng 9, 10 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng, từ tháng 11 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.

Tổng số lao động đi làm trở lại dự kiến đến hết tháng 7/2021 đạt khoảng 30.000 người; đến hết tháng 8 đạt khoảng 50.000 người; đến hết tháng 10 đạt khoảng 100.000 người; từ cuối tháng 11 đạt trên 120.000 người.

Hiện đã có hơn 80 DN hoạt động, gồm hơn 13.000 công nhân đang làm việc. Việc khôi phục sản xuất không những kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội mà còn tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khôi phục tăng trưởng kinh tế của tỉnh do ảnh hưởng của đại dịch.

1.jpg
UBND tỉnh Bắc Giang đã lên phương án hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN khôi phục sản xuất an toàn.

Đây là mô hình mới với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, vừa xây dựng và vừa điều chỉnh để thực hiện yêu cầu bảo đảm an toàn dịch bệnh. Vì thế trong quá trình thiết kế và vận hành mô hình, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, nhất là Ban Quản lý Các KCN, Sở Y tế; các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình về an toàn trong DN; nơi làm việc và lưu trú của lao động; hoạt động của tổ an toàn phòng, chống dịch (PCD); tổ chức lại sản xuất trong DN… đồng thời gắn với trách nhiệm của DN, đơn vị liên quan.

Theo phương án hỗ trợ các KCN, UBND tỉnh sẽ cùng các DN đón lao động đã ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trở lại làm việc; hỗ trợ tuyển dụng lao động; giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động; hỗ trợ bố trí khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa; đưa đón người lao động; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch; hỗ trợ xử lý các tình huống khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm; hỗ trợ tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho người lao động trong doanh nghiệp.

Kế hoạch cũng quy định cụ thể các bước trong việc thực hiện các nội dung hỗ trợ, đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp và phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh: “Trong chống dịch, khi dịch ở giai đoạn đang bùng phát mạnh, việc đóng cửa các KCN là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch (PCD), đặc biệt là khi dịch có nguy cơ lây lan nhanh. Tuy nhiên khi đã có kinh nghiệm bước đầu, dần kiểm soát dịch thì cần phải tính đến việc khởi động lại chuỗi sản xuất. Bởi lẽ, việc DN hoạt động trở lại là rất cấp thiết và cũng chính là giải pháp để chống dịch”.

Công ty TNHH Fuhong Precision Component là một trong những doanh nghiệp đi vào sản xuất áp dụng mô hình mới, các DN chia nhỏ số công nhân ở các khâu sản xuất, bố trí làm việc theo từng nhóm 10-15 người/nhóm, cùng ăn, cùng ở và đi cùng xe.

Ông Trác Hiến Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho DN và người lao động, Công ty thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch từ bên ngoài vào bên trong. Không chỉ được đo thân nhiệt một lần bằng hệ thống tự động tại cổng vào, nay công nhân được đo thân nhiệt lần 2 trước khi vào phân xưởng và yêu cầu thay khẩu trang y tế, bỏ khẩu trang cũ vào thùng rác. Chỉ những công nhân có sức khỏe bảo đảm an toàn mới vào sản xuất trong các phân xưởng”.

Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, để nối lại sản xuất trong các KCN, tỉnh Bắc Ninh thực hiện kế hoạch cho các công nhân vừa sản xuất, vừa lưu trú trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. chủ trương này của tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía doanh nghiệp, công nhân người lao động.

Với cách làm này, toàn tỉnh đã có 504 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang tiếp tục duy trì hoạt động với 125 nghìn lao động, chiếm 30% số lao động trong các khu công nghiệp toàn tỉnh.

Bà Đặng Thị Kiên Chung, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty ITM Semiconductor Việt Nam (KCN Vsip) cho biết: "Đó là những phương án tốt nhất để vừa đảm bảo cho sự an toàn cho chính người lao động và xã hội, vừa không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi phải tuân thủ đối với xã hội”.

Công nhân có thu nhập, DN nối mạch cung ứng

Việc tổ chức lại sản xuất cho DN theo mô hình mới để thích ứng trong tình huống cấp bách bước đầu giải quyết nhiều bài toán quan trọng cho DN. Trước hết, DN có sản phẩm cung cấp cho đối tác. Công ty TNHH Seojin Việt Nam, KCN Song Khê - Nội Hoàng là ví dụ. Đây là DN 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất các loại khuôn mẫu nhôm, vỏ nhôm, phụ kiện, linh kiện thiết bị thu phát sóng; khung, vỏ kim loại cho điện thoại di động…

Ông Trần Văn Nam, Quản lý hành chính của DN cho biết, hơn một tuần nay, khi đủ điều kiện hoạt động trở lại, đơn vị đã xuất 50 container hàng cho đối tác theo hợp đồng. Tới đây, công nhân quay lại sản xuất với số lượng nhiều hơn, DN dự kiến xuất 100 container mỗi tuần. “Với sự tạo điều kiện, hỗ trợ của chính quyền địa phương, việc sớm khôi phục sản xuất đã giúp DN giảm thiệt hại do chậm cung ứng hàng. Công ty rất mong tiếp tục được tỉnh đồng hành, nhanh đưa công nhân đến làm việc, bảo đảm công suất như dự kiến”, ông Nam nói.

Các KCN vận hành trở lại khiến nhiều công nhân phấn khởi, được xét nghiệm bảo đảm an toàn, không còn bi quan do phải cách ly, phong tỏa như trước. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động cũng ổn định trở lại để trang trải cuộc sống của cả gia đình.

2.jpg

Công tác đảm bảo y tế cho công nhân luôn được thực hiện nghiêm túc.

Dựa trên kinh nghiệm từ việc phòng chống dịch kết hợp sản xuất an toàn trong KCN tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ Y tế thực hiện việc tập huấn cho các tỉnh thành phía Nam về việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất.

Do đó, ngày 22/6 vừa qua, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 20 tỉnh, thành phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào) các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất để đảm bảo vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế mong muốn sau buổi tập huấn, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), Ban Quản lý các KCN và sở ngành các tỉnh/thành phố sẽ thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào KCN, cơ sở sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sản xuất. Các doanh nghiệp cần thực hiện chuỗi an toàn từ nơi lưu trú - vận chuyển công nhân – môi trường sản xuất an toàn. Có thể bố trí 20-30% người lao động trong khu lưu trú tập trung đã được quán triệt các biện pháp chống dịch. Với lực lượng người lao động được bảo vệ nghiêm ngặt này các địa phương sẽ tiếp tục duy trì sản xuất trong tìnnh hình mới, an toàn và đảm bảo sản xuất.

Việc các KCN tổ chức lại sản xuất trong bối cảnh dịch được kiểm soát là hướng đi đúng đắn, bước đầu khôi phục lại chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì hoạt động kinh tế, tăng doanh thu, bảo đảm đời sống người lao động.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi