Phòng, chống tốt, sớm chấm dứt dịch Covid để phục hồi, phát triển kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 16:41, 24/06/2021

Dịch Covid-19 vẫn được coi là “biến số” tác động mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, tuy nhiên với kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đạt được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá, đây là kết quả đáng khích lệ trong tăng trưởng ở thời kỳ Covid-19 và Việt Nam tiếp tục có được những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên quyết và nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: Phòng, chống dịch hiệu quả và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước. Vượt qua nhiều khó khăn, tình hình KT-XH 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, tạo dư địa trong điều hành giá. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020...

1.jpg
Một góc Khu công nghiệp Vân Trung tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TUẤN HUY

Nền kinh tế có nhiều tín hiệu phục hồi, tuy nhiên phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước, Bộ KH&ĐT dự báo quy mô GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8%. Mức tăng này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%). Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 0,5 điểm phần trăm. Theo tính toán, để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt hơn 7%.

Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng được dự báo không như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, đây là kết quả đáng khích lệ trong tăng trưởng ở thời kỳ Covid-19 và Việt Nam tiếp tục có được những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng Standard Chartered-một tập đoàn quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng xuất bản đầu tháng 6 với tựa đề “Vietnam-strong performance continues this year” (tạm dịch: Việt Nam-tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay), Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% năm 2022.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Nền tảng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh, tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra ở trong nước”. Trong công bố mới đây về triển vọng kinh tế toàn cầu, mặc dù hạ mức tăng trưởng của Việt Nam so với dự báo trước, song Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

2(1).jpg

Với phương châm "sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất", tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thiết lập lại môi trường sản xuất an toàn, bền vững tại doanh nghiệp. Ảnh: TUẤN HUY

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.

“Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục có những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo đợt bùng phát dịch lần thứ tư có khả năng kéo dài, các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không... sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn; trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh chịu tác động nặng nề, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng và thu ngân sách. Do đó, càng cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh quá trình mua và triển khai vaccine, không chỉ giúp bảo đảm sức khỏe cho người dân mà là giải pháp căn cơ để phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Có thể thấy, dịch Covid-19 vẫn được coi là “biến số” tác động mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Vì vậy, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh, việc đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh. Để có động lực cho tăng trưởng cần có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua những biện pháp dài hạn như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, đầu tư công vẫn là một động lực đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Đầu tư công sẽ đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt cho việc thu hút, thực hiện vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Nhưỡng