Lần đầu tiên phát hành bộ tài liệu mang tính chuyên sâu về kỹ năng phòng, chống ma tuý
Giáo dục - Ngày đăng : 15:27, 24/06/2021
Cuối năm 2020, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý
Theo báo cáo tại hội nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh cho biết, thống kê của Bộ Công an tính đến cuối năm 2020, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Điều đáng nói, ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên và đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.
Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia, Bộ GDĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống ma túy, phòng chống AIDS, mại dâm, tệ nạn xã hội.
Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; tuyên truyền, tập huấn phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục; phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma tuý cho HSSV trong trường học.
Đồng thời, triển khai bộ tài liệu kỹ năng phòng, chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh; nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho sinh viên; xây dựng và triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa; xây dựng, triển khai kế hoạch can thiệp, phòng ngừa nghiện ma túy cho thanh, thiếu niên, HSSV.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo một số Sở GDĐT; lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD; một số phụ huynh, học sinh. Từ kinh nghiệm triển khai các giải pháp phòng chống ma túy tại trường học thời gian qua, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp thực tế nhằm triển khai hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống tệ nạn HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học đã được Chính phủ giao cho ngành GDĐT.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, hằng năm, các nhà trường phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe, đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy; xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết. Việc lập hòm thư tố giác, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong và ngoài nhà trường được duy trì đồng thời với việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Em Trần Anh Dũng, sinh viên năm thứ tư lớp Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện vẫn còn không ít sinh viên chưa hiểu rõ và đầy đủ nguy hại của ma túy nên dễ bị lôi kéo. Để phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng xấu, sinh viên cần hạn chế đến các địa điểm không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi; không tiếp xúc với các đối tượng có biểu hiện nghiện ngập, thường xuyên có thói ăn chơi, đua đòi…
Công bố bộ tài liệu mang tính chuyên sâu về kỹ năng phòng, chống ma tuý
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục phù hợp với học sinh, sinh viên để hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy 2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.
Thứ trưởng cũng đồng thời đề nghị các Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Viện PSD chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ đã có kế hoạch chi tiết về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.
Liên quan đến tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma tuý cho học sinh, sinh viên trong trường học, Thứ trưởng cho biết chỉ có thể triển khai trong một số trường học trên 30 tỉnh thành địa phương chứ chưa thể triển khai đồng loạt.
Thứ trưởng cũng khẳng định sự cần thiết của việc triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma tuý vào các nhà trường. Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.
Được biên soạn bởi Viện PSD, bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma tuý vào các nhà trường gồm 4 quyển: Kỹ năng Phòng, chống ma tuý dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng Phòng, chống ma tuý cho học sinh trung học phổ thông; Kỹ năng Phòng, chống ma tuý cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng Phòng, chống ma tuý dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ tài liệu in màu, nhiều hình minh hoạ sinh động, cụ thể, giúp người đọc dễ dàng nhận biết và phân biệt được các loại ma tuý cũng như phương pháp phòng ngừa phù hợp với từng nhóm đối tượng người đọc.