ĐBQH Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Long An: Kiên quyết phòng, chống tham nhũng và hàng gian, hàng giả
Chính trị - Ngày đăng : 13:34, 03/12/2014
Trong hai ngày 1-2/12, Đơn vị bầu cử số 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An gồm ĐBQH Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cùng ĐBQH Nguyễn Minh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Huệ, Đức Hòa (Long An).
Trong quá trình tiếp xúc cử tri, Đơn vị bầu cử số 1 Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã đến thăm một số cơ sở trên địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri. Tại các buổi tiếp xúc, ngoài những vấn đề sát sườn liên quan đến đời sống của bà con thì đặc biệt đa số ý kiến cử tri tập trung phản ánh về công tác phòng, chống tham nhũng và vấn đề hàng gian, hàng giả.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải kiên trì, quyết liệt
ĐBQH Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Long An
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Trương Hòa Bình cảm ơn và ghi nhận những ý kiến bà con cử tri. Đặc biệt đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đã coi tham nhũng là quốc nạn. Từ đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chiến lược về phòng, chống tham những như Chỉ thị 03, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… đặc biệt Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua. Chưa kể, Bộ luật Hình sự nước ta có quy định 34 tội danh với mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng.
Để cử tri hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, Chánh án Trương Hòa Bình đặt vấn đề và phân tích về tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đương đầu. Ở Việt Nam, tham nhũng hiện đã trở thành quốc nạn, là một trong những biểu hiện nổi bật nhất của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tham nhũng làm tổn hại nghiêm trọng sức mạnh của chế độ, làm tổn thương xã hội và xâm hại lợi ích của nhân dân. Tham nhũng còn làm hoen ố thanh danh của Đảng, Nhà nước và làm sụt giảm niềm tin của nhân dân. Nếu không kiên quyết chống tham nhũng thì cũng không thể xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta rất kiên trì và kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, phanh phui, đưa ra truy tố, xét xử. Nhưng nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Thực tế, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành...
Để làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đòi hỏi cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, đấu tranh kiên quyết đối với hành vi tiêu cực, lãng phí. Phòng và chống tham nhũng là hai biện pháp song hành thực hiện cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm và coi trọng biện pháp phòng hơn chống. Song song đó, việc tổ chức lãnh đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị theo hướng công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng. Chỉ khi nào những việc dễ dẫn đến tham nhũng được quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát khả thi và phát huy tốt dân chủ cơ sở thì vấn đề tham nhũng mới được phát hiện và ngăn chặn từ gốc.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, Đảng, Nhà nước cùng hệ thống chính trị nước ta đang có quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực lãng phí; tuyên truyền vận động sâu rộng đến toàn xã hội nhận thức tham nhũng là hại nước, hại dân và phải coi đây là cuộc đấu tranh kiên trì, lâu dài để đẩy lùi tham nhũng; củng cố kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng…
“Trong sạch hóa” thị trường hàng gian, hàng giả…
Về vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ĐBQH Trương Hòa Bình cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng, chống hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo đó, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Đồng thời để triển khai đồng bộ, kiên quyết và mang tính thường xuyên thì từ Trung ương đến địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo 389 về chống hàng gian, hàng giả, nhiều hiệp hội về lĩnh vực này cũng được thành lập tại các địa phương. Việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có thể nói thời gian qua được các cơ quan có thẩm quyền triển khai một cách quyết liệt nhằm “trong sạch hóa” thị trường, tiêu diệt tận gốc. Tuy nhiên, trên mặt trận này, hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.
Sau phân tích về những tác hại của hàng gian, hàng giả tác động khôn lường đến đời sống của người dân, ĐBQH Trương Hòa Bình đề nghị, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa về công tác chống hàng gian, hàng giả. Theo đó, ngoài điều chỉnh những chính sách vĩ mô để xử lý một cách triệt để thì công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân ý thức được tác hại của hàng gian, hàng giả, kém chất lượng cũng không kém phần quan trọng. Khi người dân ý thức được tác hại, họ sẽ đồng thuận cùng Nhà nước thực hiện công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng một cách rất hiệu quả.
Đồng thời chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, vận động các cửa hàng, đại lý nhập và bán hàng đúng chất lượng, có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cam kết và chịu trách nhiệm về hàng hóa mình bán ra. Song song đó, công tác tuyên truyền và hướng đến việc hướng dẫn bà con đối chiếu, phân biệt hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Một khi người dân được nâng cao nhận thức về hàng gian, hàng giả thì chắc chắn công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả sẽ đạt hiệu quả khả quan hơn. Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh, kiện toàn, trong sạch hóa lực lượng chống hàng gian, hàng giả cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Có thể nói, tuyên truyền và vận động bà con nói “Không” với hàng gian, hàng giả. Không sản xuất, không tiêu thụ, không mua bán hàng gian, hàng giả. Khi phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng thì báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý. Một khi Nhà nước và nhân dân thống nhất trên dưới một lòng về công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng thì kẻ xấu sẽ không còn đất sống, thị trường hàng hóa sẽ được trong sạch.
Bên cạnh đó, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đặt vấn đề xung quanh chuyện tư thương ép giá và đưa ra một số giải pháp đối với chính quyền địa phương để làm thế nào xóa bỏ điệp khúc “được mùa mất giá”…