Tổng Thư ký LHQ Guterres tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2
Chuyển động - Ngày đăng : 11:37, 19/06/2021
Theo đó, ông Guterres sẽ tiếp tục lãnh đạo tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2026.
Trong phát biểu tuyên thệ nhậm chức, ông Guterres cam kết nỗ lực trong khả năng để góp phần tạo ra một bước tiến đột phá và tích cực cho công việc của LHQ. Nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh ưu tiến thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này trong bối cạnh đại dịch COVID-19; nỗ lực cùng giải quyết những vấn đề chung của LHQ về phát triển, quản lý, cũng như hòa bình và an ninh.
Tổng Thư ký LHQ cũng khẳng định cần tiếp tục duy trì tính hiệu quả của Hiến chương LHQ, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương và thực hiện hiệu quả Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.
Đặc biệt, ông Guterres cam kết sẽ công hiến hết mình trong xây dựng và tham gia xây dựng lòng tin giữa các quốc gia; đồng thời thực hiện tốt các ưu tiên trong tuyên bố về tầm nhìn của LHQ trên tinh thần xây dựng niềm tin và khơi dậy hi vọng.
Tại cuộc họp đại diện các nhóm nước khu vực đều đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ trong nhiệm kỳ qua trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng Thư ký LHQ trong nhiệm kỳ tới, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của các nước và các khu vực trên thế giới.
Ngày 8/6/2021, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2580 (2021) kiến nghị ông António Guterres là ứng cử viên duy nhất để Đại hội đồng LHQ xem xét, bổ nhiệm là Tổng Thư ký LHQ hiệm kỳ tiếp theo. Ông Antonio Guterres cũng là ứng cử viên duy nhất được quốc gia thành viên LHQ giới thiệu ứng cử vị trí này.
Có khoảng 10 người khác cũng muốn tranh cử vị trí Tổng thư ký LHQ, nhưng đều không trở thành ứng cử viên chính thức vì không được nước nào trong số 193 thành viên LHQ ủng hộ. Vì vậy, trong cuộc bỏ phiếu trên, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha 72 tuổi Guterres không có đối thủ. Ông đã đảm nhận cương vị này từ năm 2017. Nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Nhiệm kỳ đầu của ông Guterres buộc phải tập trung vào hạn chế những thiệt hại tiềm tàng của chính sách đối ngoại đơn phương, dân tộc chủ nghĩa của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, người luôn đặt câu hỏi về giá trị của LHQ và chủ nghĩa đa phương. Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho LHQ, tương đương 22% ngân sách thường niên và 1/4 ngân sách dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Tổng thống Mỹ đương thời Joe Biden đã bắt đầu khôi phục các khoản cắt giảm mà ông Trump đưa ra đối với một số cơ quan của LHQ, đồng thời tái cam kết với tổ chức toàn cầu này.