Startup Việt giải bài toán "biến nguy thành cơ" giữa đại dịch COVID-19

Kinh tế - Ngày đăng : 08:06, 19/06/2021

Thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Cú sốc mang tên COVID khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp ít nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp – các startup vốn còn khá non trẻ. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cũng đã có không ít startup Việt tìm được hướng đi, biến “nguy” thành “cơ”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và hiện đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Các ý tưởng khởi nghiệp của những người trẻ tại Việt Nam được đánh giá là rất dồi dào và đầy tiềm năng. Thậm chí các startup Việt còn rất sáng tạo và linh hoạt chuyển đổi cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Bài toán khởi nghiệp trong COVID-19

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhận định: “Đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế của nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

3.jpg

Bài toán khởi nghiệp giữa thời COVID-19 gặp nhiều thử thách.

Có thể nói, cùng với những tác động từ thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng với bất trắc khó lường của đại dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp khó hơn. Theo đánh giá của quỹ đầu tư mạo hiểm Ventures, do khó khăn chung nên các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo.

Bình thường các startup đã gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu, trong thời kỳ COVID khả năng cân đối giữa nguồn thu và chi phí càng khó khăn gấp bội, và sức hấp dẫn của họ trong con mắt các nhà đầu tư cũng vì thế suy giảm nghiêm trọng.

1.jpeg

COVID-19 khiến sức hấp dẫn của startup trong mắt các nhà đầu tư suy giảm mạnh.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, CEO VinTech City (thuộc Tập đoàn Vingroup), trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các startup liên quan tới ngành nghề sử dụng nhiều mặt bằng, hoạt động chuỗi, như du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, giáo dục, giải trí, trung tâm thương mại, logistics... bị ảnh hưởng nặng nề. "Nhiều người nghĩ rằng, startup đơn giản chỉ cần đóng cửa hàng là tạm an toàn. Song, đóng một cửa hàng, một mặt bằng gây ra rất nhiều thiệt hại, từ tài chính, con người, thậm chí là mô hình hoạt động", bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết.

Các chuyên gia đều ví COVID giống như một phép thử lớn với các doanh nghiệp. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, COVID đã chứng minh doanh nghiệp nào càng linh hoạt về mô hình kinh doanh, càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là chủ động chuyển đổi số sớm thì càng đứng vững và vượt qua đại dịch. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thường sở hữu sẵn bộ gen có tính thích ứng cao cho phép họ dễ dàng điều chỉnh quy trình hoạt động, thay đổi sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với tình hình mới.

Trong cái khó ló cái khôn, biến nguy thành cơ

Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ này trong thời gian tới bởi tiềm năng khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo, rất lớn. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020). Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong tốp 20-25 hệ sinh thái hàng đầu.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 11.603 (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Vốn đăng ký bình quân đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021. Như vậy có thể thấy, sức hút, môi trường kinh doanh và cơ hội để DN phát triển vẫn rất rộng mở

Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT) Lê Văn Quân, thời kỳ khó khăn sẽ là cơ hội tốt để bắt đầu khởi nghiệp, bởi sẽ ít cạnh tranh về nguồn lực hơn. Tiếp nữa là, dù phải đối mặt với bất kỳ sự thay đổi nào, tiêu cực hay tích cực thì chúng ta cũng tìm thấy nhu cầu mới từ khách hàng, mà nhu cầu của khách hàng mới là yếu tố cốt lõi cho sự tồn tại của DN. Đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu lại mình.

Trong khó khăn, vẫn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế, thể hiện sự sáng tạo, “cái khó ló cái khôn” của startup Việt, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh.

4.jpg

Có những startup đã tận dụng khó khăn, biến nguy thành cơ, hỗ trợ xử lý trực tiếp cho tuyến đầu dịch bệnh.

Nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến… Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly và nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Ngoài việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kênh bán hàng online, phát triển dịch vụ giao hàng, như Grab, Go Việt, Now, Foody…, không ít startup tìm cách thích nghi mới bằng cách đưa ra thị trường những sản phẩm mang tính thời điểm, đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong đó, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa là giải pháp của các startup y tế được nhiều người tìm đến, điển hình như: Doctor Anywhere, eDoctor, Bookcarer, Dr.Oh, YouMed, Thuocsi.com… Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet, ngồi nhà, người dùng có thể được thăm khám, tư vấn về tình hình sức khỏe qua video, điện thoại từ đội ngũ bác sĩ.

Nhận định nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch mới, đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của khu vực Đông Nam Á, để chúng ta có thể tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa các startup Việt đạt được thành công lâu dài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, Chính phủ đặt ra mục tiêu tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030.

Bên cạnh những sáng kiến từ Chính phủ, cũng cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ để giúp các startup có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi