Hàng nghìn đồng hồ Rolex "lọt lưới" kiểm tra của Cục QLTT Ninh Bình?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:58, 16/06/2021
Ngày 14/5/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng có Văn bản số 28/UBND-VP10, chuyển đơn tố cáo của một nguyên cán bộ Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, tố cáo ông Trần Duy Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình tới Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy để xem xét, xác minh những biểu hiện vi phạm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo kiểm tra, tạm giữ, tịch thu và trả lại hàng hóa.
Ông Lê Văn Cường - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình xác nhận với phóng viên thông tin trên và cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có quyết định thành lập đoàn xác minh, thanh, kiểm tra để đưa ra kết luận chính xác.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhận được đơn của nguyên Đội trưởng Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Ninh Bình tố cáo, trong quá trình chỉ đạo kiểm tra, khám xét nơi cất giấu tang vật, hàng hóa của hộ kinh doanh nhà ông Trần Văn Bản (thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) vào ngày 31/3 và 1/4, ông Trần Duy Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Đội trưởng Đội QLTT số 3 ban hành quyết định kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Bản khi chưa có phương án kiểm tra; chỉ đạo ban hành quyết định khám nơi cất giấu tang vật khi chưa có đề xuất khám và phương án khám theo quy định.
Khi đoàn kiểm tra do ông Trần Duy Tuấn trực tiếp chỉ đạo tiến hành việc kiểm tra và khám kho hàng hộ kinh doanh của ông Bản thì ông Bản không có nhà. Không chỉ vậy, thành phần trong đoàn kiểm tra có những người không có trách nhiệm, chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường và có cả những người ngoài lực lượng QLTT, không nằm trong trong thành phần đoàn kiểm tra theo quyết định kiểm tra/khám của Đội trưởng đội 3.
Nghiêm trọng hơn, trong những ngày kiểm tra, khám kho hàng, đoàn kiểm tra đã kiểm đếm, phân loại và phát hiện tại cơ sở kinh doanh của ông Bản có một số lượng không nhỏ hàng hóa có dấu hiệu hàng giả, không có hóa đơn, chứng từ, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, chỉ có ông Tuấn và bộ phận tham mưu (cụ thể là ông Trương Ngọc Hải và bà Lã Thị Nhuận) trực tiếp lập bảng thống kê, tổng hợp, theo dõi từ các tổ kiểm tra báo cáo lại.
Trong khi đó, đoàn kiểm tra theo quyết định do ông Trần Quang Tuyến, Phó Đội trưởng làm trưởng đoàn lại không được biết số lượng hàng hóa vi phạm cụ thể là gì, số lượng bao nhiêu. Đáng nói hơn, ông Tuấn chỉ cho đoàn khám những chỗ ông Tuấn chỉ đạo, không khám hết kho hàng.
Khi lập hồ sơ tạm giữ, ngoài 50 loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm được tạm giữ để xử lý thì còn nhiều loại hàng hóa vi phạm khác nhưng lại không được thể hiện trong hồ sơ. Ông Tuấn đã chỉ đạo loại bỏ đi nhiều loại tang vật có dấu hiệu là hàng giả như: bánh kẹo, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Điển hình là một số lượng lớn khoảng 2.000 chiếc đồng hồ nhãn hiệu Rolex, khoảng 1.000 lọ nước hoa các nhãn hiệu Channel, Dior và nhiều kính có nhãn hiệu Channel, Luis Vuitton, Gucci… được bà Nhuận, ông Hải cùng một số công chức Phòng Nghiệp vụ chụp lại làm căn cứ gửi cho đại diện các nhãn hàng xác nhận hàng giả.
Ông Tuấn nằm trong đoàn kiểm tra cũng biết rất rõ về các hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả trên nhưng khi kết thúc cuộc kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên không được thể hiện trong hồ sơ vụ việc và không tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đơn tố cáo trên còn cho biết, vào đêm 26/4/2021, ông Tuấn đã chỉ đạo trả lại nhiều loại hàng hóa số lượng lớn, như quần áo, mỹ phẩm, viên uống chống đột quỵ … (những mặt hàng được quy định chặt chẽ về chất lượng, công bố tiêu chuẩn, thông tin về sản phẩm, quy định về ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt), đã được tạm giữ từ ngày 2/4.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới đọc giả khi có kết luận thanh, kiểm tra.