Tấn công cơ quan báo chí là xâm phạm an ninh quốc gia

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:07, 15/06/2021

Việc tấn công vào cơ quan báo chí quan trọng, thiết yếu của đất nước không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật đơn thuần mà có thể coi đây là hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia xét cả về tính chất và hành vi vi phạm.

Việc nhiều nền tảng của Báo Điện tử VOV bị tấn công, đặc biệt là đợt tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) nhằm vào Báo điện tử VOV trong ngày 13/6; cũng như các tài khoản đồng loạt tấn công Fanpage của của báo; gửi email, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, xúc phạm phóng viên viết bài bằng những tin nhắn đe dọa, thóa mạ... thực sự gây chấn động giới truyền thông, các chuyên gia an ninh, các nhà quản lý mạng xã hội.

tan-cong-bao-dien-tu.jpg
Báo VOV bị tấn công. Ảnh minh họa

Trước đó, theo VOV, ngày 12/6, tờ báo này đăng tải 2 bài viết liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam) gồm: “Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn: Đã đến lúc cần xử lý nghiêm” và “Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng”. Ngay sau đó, tờ báo liên tục chịu những đợt tấn công mạng.

Hiện, việc truy tìm những đối tượng chủ mưu, trực tiếp tham gia vụ tấn công mạng gây chấn động này đang được các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành khẩn trương và chắc sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm là về quy mô, độ liều lĩnh của các hacker khi tổ chức tấn công một cơ quan báo chí quan trọng của đất nước. Bởi việc hacker xâm nhập vào website, tờ báo nào đó rồi thay đổi biểu tượng hay đánh cắp thông tin cá nhân là khá bình thường vì lỗ hổng, sơ hở của các website này. Các vụ tấn công trước đây thường xảy ra đơn lẻ, thời gian ngắn và quy mô nhỏ nhưng trong vụ việc lần này hoàn toàn khác đó là có sự phối hợp, có kế hoạch tấn công cụ thể, bài bản, công khai và kéo dài.

Theo quy định hiện hành thì việc tấn công mạng vào mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị nghiêm cấm, là hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, việc tấn công vào cơ quan báo chí quan trọng, thiết yếu của đất nước không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật đơn thuần mà có thể coi đây là hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia xét cả về tính chất và hành vi vi phạm.

Không nên xem nhẹ vụ tấn công đặc biệt nguy hiểm, nghiêm trọng này. Bởi các đối tượng đã dám tấn công vào một tờ báo lớn chỉ vì một số bài viết chứng tỏ chúng rất coi thường, thách thức pháp luật, hành động cực kỳ ngông cuồng, chẳng khác nào “coi trời bằng vung”. Vì thế, nếu không kịp thời điều tra, xử lý nghiêm minh những kẻ gây ra vụ tấn công này sẽ gây ra hệ quả tiêu cực cho xã hội, tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp tương tự về sau.

Do đó, cơ quan chức năng cần tập trung lực lượng nhanh chóng tìm ra những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công mạng hết sức nghiêm trọng này. Hành vi tấn công một cơ quan báo chí quan trọng của đất nước là xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia, xâm phạm sự an toàn không gian mạng. Xử lý nghiêm vụ việc này còn nhằm thiết lập trật tự an toàn trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật, giữ bình yên cho cuộc sống cho mọi người dân.

Theo Luật Sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, hành vi gửi email, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, xúc phạm đến phóng viên đăng bài ở đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự. Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, nếu đủ cơ sở chứng minh, tùy theo mức độ, hành vi của người đó có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP :

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Bộ luật hình sự 2015 cũng đã quy định cụ thể về tội làm nhục người khác tại Điều 155. Theo đó, nếu đây là hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân phóng viên hay người trả lời phỏng vấn thì mức xử phạt được quy định như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Bên cạnh đó, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng có thể bị xử phạt lên tới 20.000.000 đồng. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này cũng quy định:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;

b) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

c) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

d) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

đ) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng”.

Về hình sự, đây là hành vi có dấu hiệu của một số tội : Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, khoản 2 Điều này quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi phạm tội có tổ chức, lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, gây thiệt hại 500.000.000 đông trở lên, gây ảnh hưởng xấu đối với an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 BLHS, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội có thể bị phạt bổ sung như phạt tiền, bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào tội danh mà họ vi phạm.

Vĩnh Linh