Dự kiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:08, 14/06/2021

Với những diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo quy mô GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8%.

Mức tăng dự báo này thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại quý 1/2021 (tăng 7,19%).

gdp-6-thang.jpg
Dự kiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%

Các chỉ tiêu kinh tế khác cũng được dự báo, thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Đặc biệt theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng năm nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%, trong đó sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, gia dày, ô tô có mức tăng tốt. Còn khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khoảng 5%, dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội sẽ tăng khoảng 7,1%.

Về triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Trao đổi vấn đề này với các cơ quan báo chí, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, ngoài những tác động giống với 3 đợt dịch COVID-19 trước, đợt dịch lần này còn có những tác động khác.

Thứ nhất, đợt dịch này đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Thứ hai, sản lượng công nghiệp giảm do việc ngừng hoặc thu hẹp sản xuất của một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở những doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo. Thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác có thể giảm và nhập siêu có thể quay trở lại trong thời gian tới.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng kết hợp các tác động cũ và mới của 4 đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây, tăng trưởng kinh tế quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn đáng kể so với kế hoạch dự kiến. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn nền kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,5%.

Theo đó, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu mà Nhà nước đã giao, yêu cầu các cấp, ngành tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Bao gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả; tiếp tục kiên định thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội...

Trang Nhi