Sinh viên đi xe máy từ Sơn La xuống Hà Nội để kịp theo đoàn đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch
Giáo dục - Ngày đăng : 19:57, 06/06/2021
Quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới về
Theo đó, đoàn công tác có 24 người cả thầy và trò. Chia sẻ tại buổi lễ ra quân, Đinh Kim Chi, sinh viên năm thứ tư cho hay, Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao trong cả nước. Lực lượng tham gia chống dịch ở đây vô cùng gian nan, vất vả. Do vậy, Chi và các bạn sinh viên đã chủ động làm đơn xin tham gia chống dịch với mong muốn có thể áp dụng kiến thức, chuyên môn của mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường.
“Lúc đầu mẹ em rất phản đối vì lo lắng nhưng bố em lại ủng hộ. Bố đã động viên và cùng em thuyết phục mẹ nên em càng có động lực để lên đường làm việc” – Kim Chi cho biết.
Dẫu biết rằng chuyến tình nguyện có nhiều hiểm nguy đón đợi ở phía trước và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng cô sinh viên năm tư vẫn mạnh dạn tình nguyện tham gia với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới về.
Kim Chi lên dây cót tinh thần, tự nhủ với bản thân đây là “chuyến công tác đầu đời” của mình, cũng là cơ hội giúp em áp dụng kiến thức được học vào công việc hằng ngày, là bài học thực tiễn quý báu để đi làm sau khi ra trường.
Tuy mới chỉ là sinh viên năm thứ 2 nhưng Ngọc Anh cũng xông pha đi Bắc Ninh: “Vì ở năm thứ hai, chúng em đã học các môn chuyên ngành và thêm nữa là được tập huấn rất kỹ trước khi thực hiện nhiệm vụ nên em và các bạn cảm thấy tự tin hơn”.
Đi xe máy để kịp xuống đi cùng đoàn
Cũng trong đoàn công tác của Trường ĐH Phenikaa, hai bạn sinh viên Lò Văn Cơ và Tòng Thị Ánh Nguyệt đã đi xe máy để kịp xuống trường tham gia cùng đoàn tình nguyện vào vùng tâm dịch.
Được biết, ngay khi biết có lịch lên đường, Lò Văn Cơ, sinh viên năm thứ 4 cùng Tòng Thị Ánh Nguyệt, sinh viên năm thứ 3 đã đi xe máy từ Sơn La xuống Hà Nội để chuẩn bị vào tâm dịch.
Cơ chia sẻ: “Tâm thế của chúng em luôn sẵn sàng nhưng không tránh khỏi sự lo lắng của gia đình, người thân. Tuy nhiên, bố mẹ em là người làm trong ngành nên rất hiểu sự thiếu hụt nhân lực của lực lượng tuyến đầu giai đoạn này. Song chúng em vẫn làm công tác tư tưởng cho gia đình, tin tưởng vào các thiết bị bảo hộ được trang bị cũng như những kiến thức y khoa đã được học, kiến thức phòng chống dịch được tập huấn kỹ lưỡng trước ngày về vùng dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Trong khi đó, Ngô Đức Vượng, sinh viên năm thứ nhất cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tình nguyện vào vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm. Em biết dịch Covid-19 rất nguy hiểm, nhưng đây là nhiệm vụ mà những người trẻ tuổi trong màu áo trắng phải sẵn sàng thực hiện để đẩy lùi dịch bệnh”.
Cũng chia sẻ tại buổi xuất quân, GS Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khẳng định, Nhà trường rất tự hào khi có những sinh viên là “chiến sĩ” tình nguyện tham gia hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Thuận Thành, Bắc Ninh".
"Sự tham gia của các em chính là bằng chứng về tinh thần xung kích của tuổi trẻ Phenikaa. Có thể nói, đây chính là cơ hội để các sinh viên khối ngành Sức khỏe được trải nghiệm, được tiếp xúc với công việc phòng chống dịch bệnh. Từ đó, các em sẽ hiểu hơn vai trò của khối ngành này không chỉ là khám chữa bệnh mà phòng, chống dịch cũng là một nhiệm vụ lớn lao, để góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, GS Huy nhấn mạnh.
Trong đợt dịch tái bùng phát này, Trường ĐH Phenikaa đã tặng 10.000 tấm chắn giọt bắn tới hơn 30 địa phương, trong đó hơn một nửa được chuyển tới tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh.
Ngoài ra, Trường còn gửi 10.000 chai nước orezol cho đội ngũ cán bộ y tế tuyển đầu và chuyển robot khử khuẩn lên đường hỗ trợ phòng, chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang.