Dịch bệnh không loại trừ tôn giáo

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 21:30, 06/06/2021

Dịch bệnh không loại trừ bất kỳ ai, cá nhân, tổ chức, hay quốc gia nào, bao gồm cả những tín đồ, tổ chức tôn giáo. Mỗi người dân Việt Nam, dù theo hay không theo tôn giáo nào đều phải nhận thức rõ việc phòng, chống dịch COVID-19 là bảo vệ sức khoẻ, mạng sống cho chính bản thân, gia đình và đồng bào mình.
benh-dich-khong-loai-tru-ton-giao.jpg
Tại 1 nhà thờ, các nhân viên y tế đã lấy mẫu cho 2.400 người dân quận Gò Vấp liên quan đến các ca lây nhiễm của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, để kịp đưa đi xét nghiệm trong đêm 28/5. Ảnh Vietnamnet

Tính đến sáng 6/6, liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung “Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng” (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã có 312 F0, hơn 5.300 F1 và trên 320.000 người thuộc diện theo dõi y tế. Ngoài 20/22 quận, huyện, thành phố của TP HCM, đến nay đã có 15 tỉnh, thành phố có các ca F0, F1, F2 liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Cũng từ điểm nhóm này, một số tín đồ của 03 Hội thánh Tin lành khác cũng trở thành F1 và F2. Dự báo trong những ngày tới số lượng F0, F1 và người tiếp xúc với F0, F1 sẽ còn gia tăng chưa dừng lại.

Trước đó, do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp, TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240, Bộ luật Hình sự, để điều tra, làm rõ.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP. HCM ngày 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, trong thời gian 1-2 tuần TP. HCM phải dập tắt ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Đồng thời, rà soát lại hết 145 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tương tự như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, tăng cường quản lý chặt chẽ tại các nơi này.

Điều đáng nói hơn, không chỉ ở TP.HCM, một số linh mục trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh đã xem thường sức khỏe, tính mạng của cộng đồng khi cố tình tổ chức Thánh lễ với sự tham gia của hàng nghìn người mà không thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, phớt lờ những quy định, hướng dẫn, thông báo của chính quyền địa phương, của Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa Giám mục.

Cụ thể tối 29/5, linh mục Nguyễn Đình Thục, Chánh xứ Lộc Mỹ, Giáo phận Vinh (Nghệ An) đã chủ trì tổ chức Thánh lễ bế mạc tháng dâng hoa Đức Mẹ tại giáo xứ Lộc Mỹ (Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) với sự tham gia của hàng trăm giáo dân, chủ yếu là người già, trẻ em tham gia và quá trình này rất nhiều người không thực hiện theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thậm chí, vị linh mục này còn tổ chức livestream trên facebook cá nhân cũng như fanpage của giáo xứ trong quá trình tiến hành Thánh lễ. Một số người còn có hành vi thách thức, phản đối chính quyền, vận động người dân tiếp tục tham gia các sinh hoạt tôn giáo bất chấp các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong các tối 30 và 31/5, tại Giáo xứ Ngô Xá ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên; Giáo xứ Đông Sơn, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh; quản xứ Kẻ Đọng (giáo phận Hà Tĩnh) đã tổ chức huy động Hội đồng giáo xứ và hàng nghìn bà con giáo dân trong xứ tham gia Thánh lễ dâng hoa Đức Mẹ Maria. Trong các buổi Thánh lễ trên, phần lớn bà con đã không đeo khẩu trang…

Công văn khẩn ngày 4/6 của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chỉ rõ: Thực tế cho thấy, một số tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo chưa thực hiện đúng tinh thần công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương; chưa chủ động triển khai, cập nhật các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan chức năng, nhất là đối với các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hoạt động nhỏ lẻ tại một số tỉnh, thành phố, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh.

Nguy hiểm hơn, lợi dụng thực tế này, các tổ chức, cá nhân phản động bên ngoài thông qua các blog, facebook và một số trang web đã xuyên tạc cho rằng, chính quyền đã lợi dụng việc phòng, chống dịch bệnh để cấm các hoạt động của các tôn giáo, cản trở việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các chức sắc, tín đồ và người dân.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quốc hội Việt Nam cũng ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào năm 2016 và Chính phủ có Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời tạo điều kiện để bảo đảm hơn quyền tự do tôn giáo của nhân dân.

Trên thực tế, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cửa các cá nhân và tổ chức, nhất là trong thời gian cả nước tích cực vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuyệt đối không hề có chuyện, Nhà nước Việt Nam lợi dụng việc phòng, chống dịch bệnh để hạn chế hoạt động tôn giáo, cấm đoán việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các chức sắc, tín đồ như các thế lực bên ngoài và cả một số đối tượng trong tôn giáo ở trong nước đã rêu rao, xuyên tạc.

Thực tế cũng cho thấy, bất kỳ tôn giáo nào và các hoạt động liên quan tới tôn giáo luôn gắn liền với luật pháp của mỗi quốc gia, không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó.

Hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam, dù theo hay không theo tôn giáo nào cũng cần nhận thức rõ việc phòng, chống dịch COVID-19 là bảo vệ sức khoẻ, mạng sống cho chính bản thân, gia đình và đồng bào mình.

Dịch bệnh nói chung, đặc biệt là virus SARS-CoV-2 không loại trừ bất kỳ ai, cá nhân, tổ chức, hay quốc gia nào, bao gồm cả những tín đồ, tổ chức tôn giáo. Bài học xương máu về việc không quan tâm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Ấn Độ, Hàn Quốc, và nhãn tiền là Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TP HCM để lại những hệ quả nghiêm trọng như vừa qua đã chứng minh sâu sắc điều này.

Các linh mục, chức sắc tôn giáo hơn hết phải là người gương mẫu chấp hành nghiêm túc những khuyến cáo, yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đó cũng chính là hành động yêu nước, yêu con dân và tín đồ của các tôn giáo. Có như thế, làm điều thiện, sống tốt đời đẹp đạo trong mỗi tôn giáo mới ngày càng được tô thắm, lan tỏa trong xã hội.

Chính Tâm