Việc sửa đổi biểu giá điện sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 20:37, 03/06/2021
Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều nội dung được báo chí và dư luận quan tâm, như vấn đề Quỹ vaccine phòng COVID-19, hay vấn đề điều chỉnh biểu đồ giá điện...
Cố gắng có đủ vaccine cho người dân sớm nhất
Về vấn đề vaccine Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để lượng vaccine cho người dân được sớm nhất, nhiều nhất, Chính phủ có chủ trương khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia tiếp cận vaccine bằng 2 cách: đóng góp bằng tiền cho Quỹ vaccine và trực tiếp nhập khẩu từ nhà sản xuất đáng tin cậy.
Từ đó đặt ra vấn đề kiểm soát chất lượng vaccine trong bối cảnh vaccine được cấp phép khẩn cấp nên hiệu quả, phản ứng khi tiêm vaccine cần tích cực theo dõi. Ngoài ra, một số loại vaccine được bảo quản rất ngặt nghèo (như bảo quản ở -70 độ C thì chúng ta không có đủ điều kiện bảo quản) lại cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên kiểm soát chất lượng không theo điều kiện bình thường mà theo hướng chấp nhận một số tiêu chí do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành.
Do vậy, chúng ta cần mua vaccine trực tiếp của các nhà sản xuất, không qua trung gian hoặc đơn vị do nhà sản xuất ủy quyền chính thức bằng văn bản để bảo đảm kiểm soát chất lượng.
Về tiến độ tiêm vaccine để có thể đạt miễn dịch cộng đồng (70-75% dân số từ 18 tuổi trở lên), ông Cường cho hay, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine. Cơ bản chúng ta đã tiếp cận được số lượng này nhưng khi nhập khẩu phải ký cam kết miễn trách nhiệm khi sự cố xảy ra và không giao hàng đúng tiến độ như có trường hợp, nhà sản xuất điều vaccine sang nước khác chứ không phải về Việt Nam. Bởi thế, tiến độ tiêm hoàn toàn phụ thuộc tiến độ cung ứng của nhà sản xuất và tình hình dịch bệnh trong nước.
Tuy nhiên, từ tháng 8 tới đây, tất cả nguồn vaccine mà chúng ta tiếp cận được sẽ về nhiều hơn như AstraZeneca cam kết đến cuối năm chuyển 30 triệu liều, cơ chế COVAX Facility cũng vậy. Ngày 2/6, Bộ trưởng Y tế đã họp với Nga và được cam kết dành cho 20 triệu liều… Tổng số đã được 150 triệu liều nhưng chúng ta phải lường trước khả năng không được cung cấp đúng tiến độ, ông Cường cho biết thêm.
Hiện tại người dân đang rất quan tâm và kỳ vọng vào Quỹ vaccine. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chúng ta cần khoảng 25.000 tỷ đồng để miễn dịch cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: Vấn đề tiêm vaccine để phòng chống dịch rất quan trọng, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vaccine rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là chúng ta sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban quản lý Quỹ, cũng như có thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.
Quỹ hiện có gần 104 tỷ đồng, Bộ Y tế cũng đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng nữa và sẽ chuyển vào Quỹ. Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine,Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Chưa sửa biểu đồ giá điện
Thời gian qua, tình hình tiêu thụ điện tăng mạnh, người dân cũng phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao. Vấn đề sửa biểu đồ giá điện đã được Bộ Công Thương thực hiện nhiều năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa sửa đổi.
Trả lời câu hỏi lý do tại sao chưa sửa đổi biểu đồ giá điện và đến khi nào Bộ Công Thương đưa ra phương án sửa đổi biểu đồ giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá điện, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 trên
Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung. Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn đinh kinh tế vĩ mô.
Để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực EVN hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, vì vậy Bộ Công Thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Hải cho hay.