Thương tiếc ông Đỗ Văn Chỉnh- nguyên Thẩm phán TANDTC
Tòa án - Ngày đăng : 17:17, 03/06/2021
Người cán bộ Tòa án liêm khiết
Ông Đỗ Văn Chỉnh có 26 năm công tác trong ngành Tòa án (từ năm 1978 đến năm 2004), trong đó 5 năm trên cương vị là Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (1996-1989), 8 năm là Trưởng ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao (1989-2004), 15 năm là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (1989-2004). Sau khi nghỉ hưu, ông có 8 năm tham gia giảng dạy các khóa đào tạo Thẩm phán tại Học viện Tư pháp (2006 – 2013).
Thời điểm ông làm Trường Ban thanh tra TAND (năm 1996, ban này có chức năng thanh tra nghiệp vụ xét xử, không thanh tra về công tác cán bộ, đơn thư khiếu nại tố cáo như sau này), những vụ án người dân khiếu nại phức tạp, đã được các Tòa chuyên trách trả lời nhưng vẫn khiếu nại thì Chánh án TANDTC chuyển cho Thanh tra xem xét, đề xuất hướng giải quyết.
Say này, Ban Thanh tra được giao nhiệm vụ trực tiếp đến các Tòa phúc thẩm và các Tòa án địa phương để thanh tra, xem lại những vụ án khiếu nại gay gắt nói riêng và các bản án có hiệu lực pháp luật nói chung, nếu phát hiện sai sót sẽ thì xử lý luôn hoặc kiến nghị TANDTC có phương án xử lý. Chính vì vậy những sai sót được khắc phục kịp thời. Từ những hồ sơ vụ án phức tạp được ông nghiên cứu và tìm ra sai sót khiến người dân khiếu nại đó, ông viết bài đăng Tạp chí Tòa án, Tạp chí Pháp lý… để rút kinh nghiệm chung. Những nội dung đó đã được các lãnh đạo TANDTC đồng tình, ủng hộ.
Khi TANDTC thành lập Phòng tiếp dân thuộc Ban Thanh tra, những đơn thư khiếu nại của người dân gửi đến, ông xem xét, nếu thuộc thẩm quyền của các tòa chuyên trách thì chuyển đơn, nếu vụ việc nóng, cấp bách thì tùy từng trường hợp Ban Thanh tra đề nghị Chánh án tiếp dân, yêu cầu Tòa án đã xét xử vụ án gửi hồ sơ lên để nghiên cứu, nếu phát hiện sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì nhất định là đề xuất Chánh án kháng nghị. Nhiều vụ ông đề xuất kháng nghị, sau này người dân được minh oan, được trả lại quyền lợi hợp pháp…
Ngoài công việc chuyên môn mẫn cán, ông Đỗ Văn Chỉnh còn là một Thẩm phán liêm khiết, mẫu mực. Suốt mấy chục năm công tác cho đến cuối đời, ông sống tại một căn hộ có diện tích 24m2 trên tầng 5 khu tập thể cũ trên phố Giảng Võ- Hà Nội. Ông là người sống khá đơn giản nên đồ đạc trong căn phòng ông ở chủ yếu là sách vở và các tài liệu nghiên cứu của ông sốt mấy chục năm; không có nhiều thứ có giá trị, đắt tiền.
Một cán bộ của Ban Thanh tra thời đó cho biết, khi còn công tác ông Đỗ Văn Chỉnh là người liêm khiết và cẩn thận giữ gìn các mối quan hệ, luôn tránh làm phiền Tòa án nơi mình thanh tra. Trong quá trình thanh tra, cả đoàn ăn cơm nhà bếp. Nếu đơn vị có mời cơm thì chỉ một bữa cơm khi mới đến trong tập thể và không có tiệc tùng, bia rượu. Ông Chỉnh cũng luôn căn dặn mọi người luôn giữ quan hệ đúng mức giữa đoàn thanh tra với đơn vị được thanh tra; giữ quan hệ giữa các thành viên nội bộ đoàn thanh tra với nhau…
Ông cũng không bao giờ đi thanh thanh tra các đơn vị mà nhận phong bì của đơn vị hay Thẩm phán cả. Trước khi nghỉ Tết, bao giờ cũng có cuộc họp cuối năm, Trưởng ban Đỗ Văn Chỉnh dặn dò công việc, chúc Tết mọi người và gửi cho những ai có con nhỏ tiền mừng tuổi mỗi cháu 10 ngàn đồng và quán triệt mọi người không được đến chúc tết, tặng quà. Mọi người ai cũng hiểu tính ông nên tuân theo. Mãi đến khi ông nghỉ hưu thì mọi người mới thường đến thăm chúc tết…
Cây “từ điển sống” của các Thẩm phán
Trong quá trình công tác cho đến khi về hưu và mãi sau này ông nghiên cứu và viết nhiều bài báo liên quan đến các lĩnh vực pháp luật từ hình sự, dân sự, hành chính, lao động, từ luật tố tụng đến luật nội dung…
Nhiều năm liền ông là cộng tác viên thân thiết của Báo Công lý, Tạp chí Tòa án với những bài viết chuyên sâu về pháp luật hình sự, dân sự, hành chính và pháp luật tố tụng nói chung.
Với tâm huyết nghề nghiệp, khả năng nghiên cứu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, ông đã đóng góp hơn 200 bài viết trên các lĩnh vực,… gắn liền với thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân.
Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tư pháp. Điều đặc sắc trong các bài viết của ông là không những chỉ ra sai sót mà ông nêu rõ sai so với quy định nào, văn bản nào và phải áp dụng quy định nào; những mấu chốt pháp lý để giúp cơ quan chức năng và người dân giải quyết vụ việc đúng pháp luật. Tất cả đều là những nội dung chuyên môn rất quan trọng, thiết thực để các Thấm phán áp dụng.
Bên cạnh những bài có tính chất chuyên môn, ông cũng đã viết bài hoặc ý kiến về nhiều vụ việc mà dư luận quan tâm về vấn đề pháp lý, cũng như cách xử lý chưa thòa đáng của các cơ quan có thẩm quyền…Ông cho rằng, chúng ta phải cải cách từ khâu điều tra, nghĩa là luật sư phải được tham gia vào quá trình hỏi cung để tránh bị bức cung, ép cung. Vì nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người vô tội thì sẽ là thảm họa cho bản thân họ và cả gia đình của họ. Phải coi đây là việc mà cả cộng đồng chúng ta phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm lớn thuộc về các cơ quan tư pháp…
Từ trước khi lâm bệnh nặng không lâu ông vẫn không ngừng nghiên cứu pháp luật, theo sát các diễn biến thời sự, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Tòa án cả nước. Ông thường xuyên được các Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong nước liên hệ để tham vấn chuyên môn. Ông từng tham gia giảng dạy ở Học viện Tư pháp, nhưng nhiều Thẩm phán, công chức Tòa án không học cũng coi ông là thầy, có việc gì khó là họ liên hệ để tham vấn chuyên môn. Nhiều vụ án phức tạp, Thẩm phán đến tận nơi gặp ông để tham vấn. Đã có nhiều Tòa án tỉnh tập hợp các vấn đề khó trong lĩnh vực chuyên môn rồi mời ông đến giải đáp trực tiếp. Nhờ sự am hiểu pháp luật và sự tận tình của ông mà nhiều vụ án được tháo gỡ.
Ngoài ra, ông cũng có đông đảo các phóng viên báo chí liên hệ để tham vấn nội dung bài viết liên quan đến công tác pháp luật nói chung…Điều đáng khâm phục là bất kể ai gọi đến hỏi về vấn đề chuyên môn gì ông có thể giải đáp ngay được nội dung đó thuộc điều, khoàn nào trong luật nào quy định. Trong quá trình nghiên cứu, ông cũng là người đầu tiên mua những quyển sách hay Luật mới ban hành; thậm chí khi Quốc hội vừa biểu quyết thông qua luật, ông đã liên hệ để xin được bản mà chưa kịp in thành sách để nghiên cứu.
Ông mất đi nhưng gửi lại biết bao ân tình với người thân, bạn bè và cả những người được ông giúp đỡ nhưng chưa bao giờ gặp mặt... Những luyến tiếc về ông- người cán bộ Tòa án liêm khiết, chính trực, giỏi chuyên môn luôn hiện hữu với mỗi người đã từng gặp gỡ.