Doanh nghiệp nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất để vượt qua đại dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 03/06/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì sự nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất kinh doanh và tận dụng công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sự tồn tại và tìm được hướng phát triển mới.

Thay đổi và thích ứng

Mặc dù Việt Nam đạt tăng trưởng dương năm qua, nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, có đến 101.700 DN rời thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 (46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.700 DN chờ làm thủ tục giải thể, 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể). Riêng 4 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.900 DN rút lui khỏi thị trường. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, DN đang phải gồng mình vượt qua.

Báo cáo kết quả tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố giữa tháng 3/2021 cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 có tác động rất tiêu cực đến DN.

1(4).jpg
Các Doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi, thích ứng trước sự tác động của dịch COVID-19, những biến động về nhu cầu tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường.

Từ khi COVID-19 xuất hiện, trải qua 4 đợt bùng phát, các doanh nghiệp đều chịu chung cảnh thất thu và chỉ biết vượt khó bằng nhiều phương thức khác nhau với niềm hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Dịch COVID-19 đã gây xáo trộn rất nhiều hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Để ứng phó với đại dịch, vượt qua khó khăn, có tới 92% DNTN và 96% DN FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó.

Có thể thấy, nếu trong đợt dịch đầu tiên, các doanh nghiệp còn cố gắng cầm cự bằng cách giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự thì nay họ đã linh hoạt vận dụng thêm rất nhiều phương thức mới thậm chí tìm hướng chuyển đổi phù hợp để có thể tồn tại.

Một ví dụ điển hình mới đây nhất là ngay tâm dịch Bắc Giang, trái vải Việt Nam vẫn bay thẳng qua Nhật bằng đường hàng không, trong nước thông qua trang thương mại điện tử Lazada, vẫn tới tay người tiêu dùng ở các thị trường lớn nhất như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Có được thành tích này là nhờ 1 năm trước, khi đại dịch hoành hành, chính quyền, các doanh nghiệp và nhà vườn ở địa phương này đã nỗ lực phối hợp đưa vải cùng nhiều loại nông sản khác lên giới thiệu, quảng bá trên “chợ” online.

Nhiều DN cũng không ngồi yên khi COVID-19 bùng phát trở lại mà sẵn sàng thích ứng, thay đổi với tình hình hiện tại.

Công ty CP Đầu tư HT Vina có trụ sở chính tại khu công nghiệp Hapro, Gia Lâm, Hà Nội chuyên sản xuất, kinh doanh bao bì carton cho các đối tác lớn trong nước và xuất khẩu, thời gian kinh tế biến động do đại dịch bệnh COVID-19, công ty cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, như nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Ông Đỗ Xuân Thọ, Giám đốc công ty cho biết, từ khi xuất hiện đại dịch, đơn hàng của công ty giảm mạnh. Thời điểm này khó khăn nhất lại không còn là đầu ra mà là đầu vào nguyên liệu vì đa phần là giấy phế liệu nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, châu Âu. Dịch COVID còn gây thiếu container vận chuyển, hàng hóa bị ách tắc ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, do doanh nghiệp nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm nên về mặt doanh thu vẫn tăng trưởng khoảng 10%.

Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, Khang Minh Group là ví dụ khá điển hình cho câu chuyện thực tế này. Những năm trước đại dịch, doanh nghiệp đang phát triển theo đà từ 10-30% cả về doanh số lẫn doanh thu. Khi dịch bùng phát, nguyên vật liệu nhiều lúc bị gián đoạn, hàng hóa sản phẩm bán ra bị co hẹp, giảm sản lượng.

Khi đó, DN đã có nhiều chủ trương thay đổi sản xuất, như tăng khả năng sáng tạo, tiết giảm chi phí trong sản xuất ở tại nhà máy để quá trình sản xuất ra rẻ nhất, cạnh tranh được với thị trường. DN cũng dự trữ nguyên vật liệu để không bị gián đoạn quá trình sản xuất. Đồng thời mở rộng bán hàng, thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua internet, facebook, thông qua quảng cáo trên báo chí và mở rộng thị trường bán hàng để sản phẩm của mình không bị ảnh hưởng trong quá trình dịch bệnh.

Trụ vững nhờ nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất

Việc thay đổi chiến lược, hướng đi, loại sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà hơn hết, còn là hành động ý nghĩa, chung tay với toàn xã hội ngăn chặn dịch bệnh.

Lại nhắc đến Công ty CP May 10, để đối phó với tình hình trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.

Cụ thể như, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của DN mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Hanosimex, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định…

2(1).jpg

Doanh nghiệp chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhiều DN may mặc trong nước vốn có thế mạnh là các mặt hàng quần áo thời trang xuất khẩu hoặc phục vụ thị trường nội địa. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, lượng hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài gặp khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với khẩu trang kháng khuẩn trong nước rất cao, thậm chí cung không đủ cầu.

Về lĩnh vực sản xuất khác, ví dụ như HTX Hương Ngàn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã phát triển nhiều dòng sản phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu quýt… từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Khi dịch COVID-19 xảy đến, trong khi các cơ sở kinh doanh khác đau đầu giải quyết bài toán ế ẩm sản phẩm thì HTX đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất nước rửa tay từ nguồn tinh dầu có sẵn và nước cất tinh dầu sả để lau nhà, xông mặt… Những tháng đầu kinh doanh, HTX trợ giá 30% cho tất cả các đơn hàng và 50% cho các khách hàng là cơ quan, trường học.

Nhanh nhạy chuyển hướng và có chính sách khuyến mãi tốt nên sau tháng đầu tiên sản xuất, HTX Hương Ngàn đã thu về 150 triệu đồng - mức doanh thu kỷ lục chưa bao giờ có, cao gấp 5 lần bình thường kể từ khi đi vào hoạt động năm 2017. Quan trọng là HTX đã tìm được hướng đi riêng, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với sự biến động của thị trường và nhu cầu của khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh.

Có thể nói, khó khăn vẫn chồng chất, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tăng nhưng không thể phủ nhận, một trạng thái thị trường mới, hoạt động sản xuất mới, trạng thái tâm lý mới... đã được thiết lập và thích ứng.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, để trụ vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, buộc doanh nghiệp phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng. Đồng thời, nhu cầu chuyển đổi số, sáng tạo trong mô hình kinh doanh cũng là một trong xu hướng tiếp theo trong thời gian kế tiếp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để tạo đột phá trong phát triển, đồng thời có những chuỗi cung ứng riêng. Trong bối cảnh thị trường sẽ tiếp tục khó đoán, ai có chuỗi cung ứng riêng sẽ tồn tại. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là vấn đề cần giải quyết để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đây chính là cơ sở để Chính phủ có thêm dư địa tập trung, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Trang Nhi