Tin vắn thế giới ngày 2/6: WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 07:18, 02/06/2021

Đảng cầm quyền Triều Tiên lập chức vụ cấp cao mới; WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac; Vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Đảng cầm quyền Triều Tiên lập chức vụ cấp cao mới

Yonhap ngày 1/6 dẫn nguồn thạo tin cho biết chức vụ mới của đảng Lao động Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành Chủ tịch đảng mang tên gọi “bí thư thứ nhất”. Theo đó, cá nhân đảm nhận chức vụ này có thể chủ trì các cuộc họp thay mặt Chủ tịch Kim Jong-un.

Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã được bầu làm Tổng Bí thư đảng. Yonhap đánh giá ông Kim Jong-un chủ trương muốn đảng Lao động đóng vai trò lớn hơn trong chính phủ.

kim-jong-un.jpg
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Trung Quốc hối thúc EU nối lại đàm phán về hiệp định đầu tư

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/6, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto tại tỉnh Quý Châu, ông Vương Nghị nhấn mạnh "liên lạc chiến lược" giữa Trung Quốc và châu Âu đang diễn ra trong bối cảnh "tình hình và thách thức mới". Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và EU nên "có tầm nhìn dài hạn, tăng cường phối hợp và hợp tác" và "cải thiện hiệu quả quản trị toàn cầu".

EU ra mắt kế hoạch lập ví tiền kỹ thuật số chung

Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố kế hoạch xây dựng một ví tiền kỹ thuật số có thể sử dụng trên toàn khối vào ngày 2/6.

Tờ Finacial Times đưa tin ứng dụng ví điện tử này sẽ cho phép công dân trên khắp EU truy cập vào một loạt các dịch vụ tư nhân và công cộng chỉ với một tài khoản định danh trực tuyến duy nhất.

OECD có Tổng thư ký mới

Ngày 1/6, cựu Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann chính thức đảm nhận vị trí Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thay ông Angel Gurria - người kết thúc nhiệm kỳ thứ ba của mình vào tháng trước.

Thủ lĩnh đảng Yamina được phép tham gia thành lập chính phủ mới ở Israel

Ngày 1/6, đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thách thức tính hợp pháp của việc thủ lĩnh đảng cánh hữu Yamina, ông Naftali Bennett nỗ lực tham gia thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, động thái này của đảng Likud đã bị Tổng thống Israel Reuven Rivlin bác bỏ.

WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vaccine thứ hai của Trung Quốc đã được WHO "bật đèn xanh".

Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2-4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.

Hãng Moderna xin cấp phép sử dụng đầy đủ cho vaccine của mình tại Mỹ

Hãng dược Moderna của Mỹ ngày 1/6 đã đệ đơn lên cơ quan quản lý Mỹ xin cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của mình, trở thành công ty dược phẩm thứ hai làm việc này, sau Pfizer/BioNTech.

Hãng Moderna cho biết sẽ tiếp tục trình các dữ liệu lên Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trong tuần tới và đề nghị được ưu tiên đánh giá. Trong cuộc cạnh tranh xin cấp phép, FDA sẽ báo tin cho công ty nào chính thức được chấp nhận đánh giá.

Nhật Bản thông qua chiến lược dài hạn về phát triển và sản xuất vaccine nội địa

Ngày 1/6, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược dài hạn về phát triển và sản xuất vaccine nội địa, với mục tiêu bắt kịp Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực này.

Trong chiến lược trên, Nhật Bản kêu gọi thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine tiên tiến cũng như xây dựng kế hoạch phân phối tài chính một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc mua vaccine do các công ty tư nhân bào chế trong trường hợp xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới. Ngoài ra, chiến lược trên cũng đề xuất mở rộng các mạng lưới nghiên cứu lâm sàng ở châu Á để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn một cách suôn sẻ ở khu vực này.

Vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người

Truyền thông Thái Lan ngày 1/6 đưa tin Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisulee Traisoranakul đã đăng tải trên Facebook rằng vaccine ChulaCov19, do Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này.

Việc thử nghiệm lâm sàng cũng nhằm tìm ra liều lượng thích hợp cho việc chủng ngừa. Khi quá trình thử nghiệm hoàn tất thành công, lô vaccine đầu tiên sẽ được sản xuất tại Mỹ trước khi công ty BioNet-Asia của Thái Lan bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 9 tới.

chulacov-010621.jpg
Vaccine ngừa COVID-19 ChulaCov19 do Thái Lan tự phát triển. Ảnh: thestandard.co

Các nước châu Á đề nghị được chia sẻ lượng vaccine mà Mỹ hỗ trợ

Các nước châu Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Mỹ sẽ hỗ trợ các nước vào cuối tháng 6 này.

Chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất thông qua cả phương thức trực tiếp và chương trình COVAX, sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo.

Argentina xem xét khả năng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Cuba

Ngày 1/6, cố vấn của Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, bà Cecilia Nicolini cho biết đang xem xét khả năng hợp tác với Cuba để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 do Cuba nghiên cứu và bào chế nhằm phân phối cho thị trường Mỹ.

WHO triển khai tiêm vaccine tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Yemen

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo từ tuần tới sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại miền Bắc Yemen, nơi lực lượng Houthi đang kiểm soát.

Đại diện của WHO tại Yemen, ông Adham Abdel-Moneim cho biết 10.000 liều vaccine đã đến sân bay Sanaa ngày 31/5 và được bảo quản lạnh. Ở giai đoạn này, chỉ các nhân viên y tế được tiêm và việc tiêm phòng sẽ diễn ra tại trụ sở Bộ Y tế ở Sanaa "dưới sự quản lý và kiểm soát của WHO".

Công nghệ mRNA trong vaccine COVID-19 còn giúp chống nhiều bệnh khác

Kết quả ấn tượng của vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA đã được ghi nhận tại Mỹ, Israel và nhiều nơi khác. Các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ này trong nhiều thập niên và đặt kỳ vọng mRNA có thể đạt hiệu quả trong “xử lý” một số căn bệnh khác như ung thư.

Hàn Quốc: Lô vaccine sáng kiến COVAX tới Triều Tiên tiếp tục bị trì hoãn

Lô vaccine ngừa COVID-19 dự kiến tới Triều Tiên vào cuối tháng 5 thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX lại một lần nữa bị trì hoãn do quá trình thảo luận kéo dài.

Trước đó chương trình COVAX cho biết sẽ cung cấp gần 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca cho Triều Tiên.

Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 4,5 tỷ USD

Chính phủ Thái Lan ngày 1/6 phê chuẩn một gói kích thích kinh tế trị giá 140 tỷ baht (tương đương 4,5 tỷ USD) nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Theo người phát ngôn Bộ Tài chính, bà Kulaya Tantitemit, các biện pháp kích thích nhằm cung cấp trợ giúp cho những người bị tác động nặng nề của dịch và kích thích tiêu dùng nội địa. Các biện pháp này, dự kiến được giải ngân từ tháng 7 - 12/2021, gồm trao tiền mặt, thẻ khuyến mại điện tử (e-voucher) hoặc dưới hình thức đồng chi trả.

Ấn Độ mất hơn 10 triệu việc làm vì làn sóng COVID-19 thứ hai

Giám đốc điều hành Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE) Mahesh Vyas ước tính hơn 10 triệu người Ấn Độ đã mất việc làm vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và khoảng 97% thu nhập của các hộ gia đình đã giảm kể từ khi đại dịch xảy ra hồi năm ngoái.

Nga nối lại vận tải hàng không với Anh và nhiều nước khác

Nga đã thông báo nối lại vận tải hàng không với Anh và một số nước khác sau một thời gian phải tạm ngừng do các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Tuyên bố trên cũng cho biết thêm rằng việc đi lại bằng đường hàng không với Áo, Hungary, Liban, Luxembourg, Croatia, Mauritius và Maroc sẽ được nối lại từ ngày 10/6 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm đến du lịch chính của người Nga, sẽ vẫn phải tạm ngừng ít nhất đến ngày 21/6.

Tiểu bang ở Ấn Độ chỉ bán rượu cho người đã tiêm vaccine COVID-19

Khi Chính phủ Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy người dân tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19, chính quyền địa phương ở một huyện thuộc bang Uttah Pradesh đã tìm ra biện pháp để khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Israel bỏ dần hỗ trợ thất nghiệp nhờ kinh tế hồi phục

Ngày 1/6, Bộ Tài chính Israel cho hay sẽ dần chấm dứt chương trình hỗ trợ thất nghiệp, bắt đầu từ đối tượng thành niên dưới 28 tuổi chưa có con, trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Khủng hoảng thiếu nhân công tại Mỹ ngày càng sâu sắc

Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (USCC) ngày 1/6 cho thấy cuộc khủng hoảng thiếu nhân công ở Mỹ đã tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong những tháng qua.

Báo cáo của USCC chỉ ra rằng trong tháng 3, có 8,1 triệu việc làm bị "bỏ trống", dù cho thấy mức tăng 600.000 vị trí so với tháng 2. Tuy nhiên, số lao động hiện có trên mỗi công việc chỉ ở mức 50% so với mức trung bình quốc gia trong 20 năm qua và tỷ lệ này tiếp tục giảm.

Đại dịch COVID-19 nới rộng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ Latinh

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mới đây dẫn số liệu từ Tạp chí Forbes cho thấy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ Latinh vào tháng 3/2020 cho đến giữa tháng 5/2021, số lượng tỷ phú USD tại khu vực này đã tăng 40%.

Cụ thể, UNDP cho biết vào đầu năm 2020, khu vực Mỹ Latinh có tổng cộng 76 người có tài sản vượt mức 1 tỷ USD và đến tháng 5/2021 đã tăng lên 107 người. Khoảng 75% số tỷ phú Mỹ Latinh có quốc tịch Brazil hoặc Mexico, những quốc gia đông dân nhất trong khu vực. Trong khoảng thời gian trên, tổng số tài sản của các tỷ phủ ở Mỹ Latinh và Caribe tăng từ 284 tỷ USD lên 480 tỷ USD.

OPEC+ phê chuẩn kế hoạch tăng sản lượng dầu

Tại cuộc họp ngày 1/6, nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng đã thỏa thuận đến tháng 7 tới.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các nước sản xuất dầu mỏ cân đối dự báo về khả năng phục hồi lượng cầu trong bối cảnh nguồn cung dầu của Iran tăng sau tiến bộ của các cuộc đàm phán hạt nhân.

Bộ trưởng Uganda thoát chết trong vụ ám sát

Ngày 1/6, Bộ trưởng Lao động và Vận tải và là cựu Tư lệnh lục quân của Uganda - Tướng Katumba Wamala, đã thoát chết trong một vụ ám sát bất thành ở ngoại ô thủ đô Kampala. Tuy nhiên, con gái và tài xế của ông thiệt mạng trong vụ việc này.

Chu kỳ La Nina năm 2020-2021 đã kết thúc

Ngày 1/6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết chu kỳ khí hậu La Nina năm 2020-2021 đã kết thúc.

Theo các chỉ dẫn hải dương và khí hậu, chu kỳ La Nina 2020-2021 đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 8-9/2020 và vượt qua mức đỉnh vào tháng 10-11. WMO cho biết 78% khả năng hình thái thời tiết trung tính sẽ xảy ra ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương cho đến tháng 7. Đến tháng 8-10, khả năng này giảm xuống còn 55%.

Bạch Dương