Các điểm thi có thí sinh F1 cần lưu ý gì?
Giáo dục - Ngày đăng : 17:53, 01/06/2021
Mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn số 4283 đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT triển khai một số biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.
Theo đó, các Sở phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế, phòng, chống dịch COVID-19, an toàn vệ sinh thực phẩm cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Các sở y tế bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hoá chất và chỉ định các cơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn y tế. Rà soát, phân loại toàn bộ thí sinh tham dự kỳ thi theo các nhóm.
Đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo qui định của ngành y tế, để có phương án phù hợp theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; phối hợp, hướng dẫn đảm bảo vệ sinh khử khuẩn, phòng chống dịch, chuẩn bị phòng cách ly y tế tạm thời tại các địa điểm thi.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để kịp thời sơ cấp cứu; phối hợp theo dõi sức khoẻ và xử trí khi thí sinh, cán bộ làm công tác thi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, ngộ độc thực phẩm trong thời gian thi.
Trong trường hợp các tỉnh, thành phố tổ chức thi cho học sinh có tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) thì đảm bảo tất cả những người tham gia tổ chức thi phải mặc trang phục bảo hộ theo quy định và triển khai các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo trong quá trình tổ chức thi.
Các sở y tế phối hợp truyền thông cho học sinh, phụ huynh học sinh chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khoẻ trước khi đến địa điểm thi, thực hiện 5K theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn y tế. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì thông báo ngay Ban tổ chức thi, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để được giải quyết.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thi, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được Bộ Y tế chú trọng. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các quán ăn và các đơn vị, cá nhân cung cấp suất ăn phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh tại các điểm thi; thành lập các tổ thường trực cùng phương tiện, thiết bị cần thiết để sẵn sàng phương án điều tra, xử lý nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm.