WHO thống nhất gọi tên các biến thể SARS-CoV-2 theo bảng chữ cái Hy Lạp
Chuyển động - Ngày đăng : 11:30, 01/06/2021
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về phản ứng COVID-19, đã viết trong một bài đăng trên Twitter hôm 31/5 rằng: “Không quốc gia nào nên bị kỳ thị vì đã phát hiện và báo cáo các biến thể”.
Thay vào đó, một hội đồng chuyên gia của WHO khuyến nghị sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để chỉ các biến thể thay vì gọi tên theo nơi mà biến thể được phát hiện lần đầu tiên.
Trong một webpage thuộc website của WHO, tổ chức này cho biết, điều này (đặt tên biến thể virus SARS-CoV-2 bằng chữ cái Hy Lạp) sẽ “dễ dàng hơn và thực tế hơn” đối với những người không nghiên cứu khoa học.
Hệ thống mới sẽ áp dụng cho các biến thể đang được quan tâm hiện nay, trong đó có 4 biến thể đáng lo ngại nhất và các biến thể được quan tâm cấp độ thứ hai.
Theo hệ thống mới, các biến thể được quan tâm có những cái tên sau: biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh cho đến nay được gọi là B.1.1.7 trở thành Alpha; B.1.351 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi chuyển thành Beta, trong khi P.1 từ Brazil chuyển thành Gamma.
Biến thể từ Ấn Độ B.1.617 được chia thành các dòng phụ, trong đó biến thể B.1.617.2 sẽ là Delta và biến thể B.1.617.1 được gọi là Kappa.
Tất cả các loại virus, bao gồm SARS-CoV-2, có thể đột biến hoặc thay đổi theo thời gian; và điều này dẫn đến các biến thể.
Bà Kerkhove lưu ý rằng tên gọi mới về các biến thể sẽ không thay thế các tên khoa học hiện có nhưng nhằm giúp ích cho việc thảo luận công khai. Tên khoa học sẽ "tiếp tục được sử dụng trong nghiên cứu", bà Kerkhove viết trên Twitter.
Bên cạnh những tên này, có hai tên khoa học khác được sử dụng cho mỗi đột biến, trong khi các tên địa lý khác nhau đã được sử dụng để mô tả cùng một biến thể. Chẳng hạn, ở Anh, biến thể từ nước này thường được gọi là biến thể Kent - một địa phương ở Đông Nam nước Anh nơi nó được phát hiện lần đầu tiên.
Mặc dù việc đặt tên các biến thể bằng chữ cái Hy Lạp có lợi thế riêng, tránh gây ra tâm lý kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các địa phương, quốc ra lần đầu tiên phát hiện ra chung, song WHO cũng cho rằng những tên khoa học này có thể khó đọc, khó nhớ và dễ bị hiểu sai.
“Để tránh điều này và đơn giản hóa việc thông tin trên truyền thông đại chúng, WHO khuyến khích các cơ quan chức năng quốc gia, các cơ quan truyền thông và những người khác áp dụng các tên gọi mới này”, WHO lưu ý.