Ấn Độ: Thảm họa COVID-19, nấm đen, và “cú bồi” nấm vàng

Chuyển động - Ngày đăng : 22:14, 29/05/2021

Trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng gia tăng các ca nhiễm bệnh “nấm đen” ở người mắc COVID-19, thì nước này lại ghi nhận trường hợp nhiễm “nấm vàng” đầu tiên ở bang Uttar Pradesh.

Ấn Độ ghi nhận ca mắc nấm vàng đầu tiên

Hãng thông tấn ANI cho biết, bệnh nhân mắc nấm vàng đầu tiên nói trên là nam giới, 45 tuổi, đã được điều trị COVID-19. Trong một vài ngày trở lại đây, tình trạng sức khỏe của người này có chiều hướng xấu đi nên đã đi khám lại. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã mắc bệnh nấm vàng.

nam-vang.jpg
Ấn Độ ghi nhận ca mắc bệnh nấm vàng đầu tiên. Ảnh minh họa

Căn bệnh này được gọi là nấm vàng vì khu vực bị ảnh hưởng có màu vàng và có mủ hình thành bên dưới. Bệnh này thường được tìm thấy ở các loài bò sát, ược phát hiện thông qua nội soi mũi của bệnh nhân.

Hiện bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ cho biết, liệu pháp điều trị duy nhất đối với nấm vàng là tiêm Amphotericin B, một chất chống nấm phổ rộng. Thuốc này cũng được dùng để chữa bệnh nấm đen (hay Mucormycosis).

Bệnh nhiễm trùng nấm đen thường hiếm gặp, được gọi là bệnh mucormycosis, có tỷ lệ tử vong là 50%, một số người bị nhiễm chỉ có thể được cứu sống sau khi cắt bỏ một mắt. Trong khi đó, bệnh nấm vàng được cho là nguy hiểm hơn rất nhiều so với dịch bệnh nấm đen.

Loại nấm gây bệnh này tấn công từ bên trong cơ thể và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Đối với các ca bệnh nặng, nấm vàng phát triển do suy giảm khả năng miễn dịch ở những bệnh nhân mắc COVID-19 gây tổn thương mủ cho các cơ quan và mô khác nhau, dẫn đến hoại tử và tử vong, tờ báo lưu ý.

nam_den_2.jpg
Một bác sỹ đang hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nhiễm nấm đen tại bệnh viện NSCB ở Jabalpur, Madhya Pradesh, ngày 20/5. Ảnh: Getty

Theo bác sĩ BP Tyagi, một bác sĩ tai mũi họng ở thành phố Ghaziabad thuộc bang Uttar Pradesh, nấm vàng là một căn bệnh có thể gây tử vong.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh nấm đen có thể nhận biết rõ qua những biến dạng trên khuôn mặt. Trong khi đó, các triệu chứng của nấm vàng bao gồm chán ăn, sụt cân. Trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến suy giảm chức năng nội tạng.

Bác sĩ cho biết thêm trước đó bệnh nhân nấm vàng đầu tiên này có triệu chứng của bệnh hắc lào và nấm trắng. Đây cũng là những biến chứng của COVID-19.

Cũng theo DNA India, căn bệnh nấm vàng chủ yếu liên quan đến tình trạng vệ sinh kém.

“Điều rất quan trọng là phải giữ cho ngôi nhà của bạn và khu vực xung quanh sạch sẽ tối đa. Cần loại bỏ thức ăn cũ và phân càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Độ ẩm trong nhà cũng rất quan trọng. Độ ẩm tốt nhất phải là ở mức từ 30% đến 40%”, bài báo viết.

Ấn Độ rơi vào tình trạng thiếu thuốc trị bệnh nấm

Như đã nói ở trên, liệu pháp điều trị duy nhất đối với nấm vàng là tiêm Amphotericin B, một chất chống nấm phổ rộng. Thuốc này cũng được dùng để chữa bệnh nấm đen (hay Mucormycosis).

Tuy nhiên, trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận một số lượng lớn các ca nhiễm nấm đen (theo Times of India, tính đến ngày 27/5, Ấn Độ đã ghi nhận tới hơn 11.000 ca bệnh nấm đen), việc xuất hiện ca bệnh nấm vàng đầu tiên này càng đẩy nước này rơi vào nguy cơ thiếu thuốc trị nấm một cách trầm trọng.

amphotericin-b-thuoc-chong-nam.jpg
Thuốc điều trị bệnh nấm đen và nấm vàng

Quá trình điều trị bằng Amphotericin B có thể kéo dài 4-6 tuần với 90-120 liều tiêm Amphotericin B. Giả sử yêu cầu trung bình số thuốc dùng cho mỗi bệnh nhân trong một đợt điều trị là 100 liều, vậy với số ca mắc bệnh nấm đen như nêu trên, Ấn Độ phải cần tới một số lượng Amphotericin B rất lớn và dự kiến con số sẽ tăng lên đáng kể.

Amphotericin B hiện được sản xuất và nhập khẩu bởi 5 hãng dược phẩm tại Ấn Độ bao gồm Bharat Serums & Vaccines, BDR Pharmaceuticals, Sun Pharma, Cipla và Life Care Innovations. Tuy nhiên, số lượng sản xuất thuốc này của các hãng vẫn luôn bị hạn chế do các trường hợp nhiễm nấm đen mỗi năm tại quốc gia không nhiều. Tất cả các hãng dược nói trên ước tính họ chỉ sản xuất tổng cộng 163.000 liều thuốc Amphotericin B trong tháng 5 và 363.000 liều khác đang trong quá trình nhập khẩu.

Tiến sĩ Randeep Guleria - Giám đốc Viện Khoa học Y tế Ấn Độ ở New Delhi - cảnh báo không nên đặt tên các bệnh nhiễm trùng do nấm dựa trên màu sắc và khu vực chúng ảnh hưởng vì nó có thể gây nhầm lẫn.

“Nhìn chung, các loại nấm mà chúng ta thường thấy là Mucormycosis, Candida và Aspergillosis. Nấm Mucormycosis (nấm đen) được phát hiện nhiều hơn trong các trường hợp mắc COVID-19 và bệnh tiểu đường”, Tiến sĩ Guleria nói.

Trong khi đó, nấm Candida có liên quan đến bệnh nấm trắng được tìm thấy ở những người có khả năng miễn dịch yếu và phát hiện qua các “mảng trắng trong khoang miệng”. Ít phổ biến nhất là nấm Aspergillosis ảnh hưởng đến phổi và có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Guleria không nói rõ về nguyên nhân và triệu chứng của căn bệnh nhiễm trùng nấm vàng.

Nhật Minh