JLL: Kho lạnh thu hút các nhà đầu tư bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 15:15, 28/05/2021

Các nhà đầu tư, họ đang cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống.

Mới đây, Tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản đa quốc gia Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết, xu hướng người tiêu dùng chuyển sang "đi chợ" trực tuyến vì dịch COVID-19 đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

kho-lanh.jpg
JLL: Kho lạnh thu hút các nhà đầu tư bất động sản

Theo một thống kê gần đây của ngành nông nghiệp, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Với số lượng kho lạnh hiện nay, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. 

Các chuyên gia của JLL phân tích, sự hạn chế của nguồn cung một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn. Thông thường, chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn.

Bởi vậy, nhu cầu lớn khiến các nhà phát triển phải đáp ứng theo, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng. Theo công ty tư vấn Emergen, khối lượng xây dựng kho lạnh được dự đoán sẽ đạt giá trị 18,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng 13,8% mỗi năm.

Theo JLL, với tiềm năng của kho lạnh, các nhà đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay đang cân nhắc phát triển khu vực này thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống. 

Với sự toàn cầu hóa của các ngành công nghiệp thực phẩm, các công ty hậu cần cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới. Tính đến thời điểm này chỉ mới có một số ít doanh nghiệp tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng chưa công ty nào cung cấp được chuỗi dịch vụ cung ứng đầy đủ.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, chuyên gia JLL nhận định, ngành hậu cần của Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. 

Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí đi trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí, vẫn cần cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, như chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Đặc biệt, với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh sẽ là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại đây.

Trang Nhi