Tin vắn thế giới ngày 28/5/2021: Facebook không chặn nội dung nói COVID-19 là sản phẩm của con người

Chuyển động - Ngày đăng : 07:33, 28/05/2021

Tổng thống Biden sắp đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD; Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư; Người tiêm vaccine Sputnik V dù có nhiễm virus cũng không lây cho người khác; Facebook không chặn nội dung nói COVID-19 là sản phẩm của con người… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Biden sắp đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD

Vài ngày tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD, nâng chi tiêu liên bang lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Theo tờ New York Times (NYT), đề xuất chi tiêu sẽ bao gồm các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Dựa trên các tài liệu mà NYT có, chính phủ liên bang sẽ chi 6.000 tỷ USD trong tài khóa 2022 và chi tiêu sẽ tăng lên 8.200 USD vào năm 2031.

joebiden.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Nga vận động người dân tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 27/5, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga tiêm vaccine ngừa COVID-19, song cũng nhấn mạnh việc tiêm chủng là dựa trên tinh thần tự nguyện. Ông phản đối việc đưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trở thành quy định bắt buộc.

Anh kêu gọi G7 ủng hộ cải cách WTO

Công cuộc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một trong những chủ đề thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra ở London, Anh, trong hai ngày 27-28/5 tới.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 27/5, Chủ tịch Quốc hội Syria - ông Hammouda Sabbagh thông báo Tổng thống Bashar al-Assad đã trúng cử nhiệm kỳ thứ 4 với 95,1% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 26/5.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai tại Syria kể từ khi quốc gia Trung Đông này rơi vào xung đột năm 2011. Tại cuộc bầu cử trước đó diễn ra năm 2014, Tổng thống al-Assad nhận được 88% số phiếu bầu của cử tri Syria.

Mỹ cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của nhóm 'Bộ Tứ' QUAD

Ngày 26/5, điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông Kurt Campell cho biết Mỹ đang cân nhắc tổ chức một cuộc họp trực tiếp của các nhà lãnh đạo nhóm "Bộ Tứ" QUAD (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) vào mùa Thu tới để tập trung thảo luận vấn đề cơ sở hạ tầng.

Đại giáo chủ Iran kêu gọi người dân tham gia bầu cử tổng thống

Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 27/5 đã kêu gọi người dân nước này không nghe theo những lời xúi giục tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, sau khi một số ứng cử viên bị loại khỏi danh sách tranh cử.

Pháp nhận trách nhiệm trong thảm họa diệt chủng tại Rwanda

Ngày 27/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận vai trò của nước này trong vụ thảm sát người sắc tộc Tutsi tại Rwanda năm 1994, bao gồm việc ủng hộ chế độ diệt chủng và phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm sát.

Tổng thống Palestine Abbas kêu gọi thiết lập lộ trình hòa bình do quốc tế bảo trợ

Nhiều nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy sau khi Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang kiểm soát Dải Gaza đạt được lệnh ngừng bắn, chấm dứt 11 ngày xung đột khiến ít nhất 243 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng.

Cao ủy LHQ về Nhân quyền lo ngại sâu sắc về mức độ thiệt hại tại Dải Gaza

Ngày 27/5, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC), Cao ủy LHQ về Nhân quyền Michelle Bachelet đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức độ thiệt hại tại Dải Gaza sau khi xảy ra cuộc xung đột Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine vừa qua.

Ukraine và Nga sơ tán hàng chục công dân khỏi Dải Gaza

Ngày 27/5, cả Ukraine và Nga đều thông báo đã sơ tán hàng chục công dân của họ khỏi Dải Gaza cho dù xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hames của Palestine đã tạm thời dừng lại sau thỏa thuận ngừng bắn.

Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay một máy bay chở 109 những người có hộ chiếu Ukraine yêu cầu rời khỏi vùng lãnh thổ này, cùng 13 người Moldova và 4 người Bulgaria, đã hạ cánh tại sân bay Kiev vào sáng 27/5. Trong một thông báo riêng rẽ cùng ngày, Chính phủ Nga

Các lãnh đạo lâm thời của Mali được trả tự do

Ngày 27/5, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự Mali cho biết Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane của chính phủ lâm thời đã được trả tự do sau 3 ngày bị một nhóm binh sĩ bất mãn bắt giữ.

Indonesia nối lại việc sử dụng lô vaccine AstraZeneca bị đình chỉ tạm thời

Indonesia ngày 27/5 đã nối lại việc sử dụng lô vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca bị đình chỉ tạm thời để điều tra do 1 nam thanh niên nước này tử vong sau khi tiêm vaccine hồi đầu tháng.

Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM), qua các cuộc kiểm tra, có thể kết luận rằng không có mối liên quan giữa chất lượng của lô vacicne AstraZeneca số hiệu CTMAV547 và trường hợp tử vong nói trên.

Philippines cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi

Cùng ngày, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines cho biết nước này sẽ cho phép sử dụng khẩn vấp vaccine Pfizer/BioNTech đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-15.

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là một trong 7 loại vacicne được phê duyệt lưu hành khẩn cấp tại Philippines.

Malaysia sẽ mua thêm gần 13 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech

Malaysia thông báo sẽ mua thêm 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng của nước này.

Theo Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin, với việc mua bổ sung 12,8 triệu liều, tính đến nay, nước này đã mua tổng cộng 44,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm cho 70% người dân.

Châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine AstraZeneca trong vòng 6 tuần tới

Ngày 27/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine AstraZeneca trong vòng 6 tuần tới để cung cấp liều thứ hai đúng hạn cho tất cả những người đã được tiêm mũi đầu tiên.

Thông cáo báo chí của Văn phòng WHO khu vực châu Phi cho hay điều này sẽ đáp ứng khuyến cáo cần khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần tiêm chủng giữa hai liều để đảm bảo hiệu quả 81% đối với người được tiêm chủng.

Người tiêm vaccine Sputnik V dù có nhiễm virus cũng không lây cho người khác

Đó là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya của Nga.  Đài Sputnik dẫn lời ông Vladimir Guschin: “Những ai đã tiêm cả hai liều vaccine này giảm rủi ro mắc COVID-19 thể trung bình hoặc nặng tới 14 lần nếu họ nhiễm virus. Trong trường hợp này, những ai tiêm vaccine Sputnik V không truyền virus và nhờ đó không gây nguy hiểm cho người khác”.

sputnikv-nga.jpg
Vaccine Sputnik V của Nga

Đức thông báo thời điểm bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên

Tại hội nghị về tiêm chủng ngày 27/5, Thủ tướng Merkel cho biết tới cuối mùa Hè này, những người từ 12 tuổi trở lên ở Đức đều có thể được tiêm chủng với vaccine BioNTech/Pfizer. Sau khi kế hoạch ưu tiên tiêm chủng kết thúc vào ngày 7/6 tới có thể ngay lập tức tiêm chủng hoặc đặt hẹn tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Pháp áp dụng quy định cách ly bắt buộc với người từ Anh tới

Chính phủ Pháp ngày 26/5 thông báo áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với những người từ Anh tới, trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng có khả năng lây lan cao được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ (biến chủng B.1.617) đang gia tăng tại nước láng giềng này.    

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020

Số liệu mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 27/5 cho thấy số người Mỹ thất nghiệp nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm tuần thứ tư liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 22/5, số người lao động tại Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm từ 444.000 người xuống còn 406.000 người, thấp hơn cả mức dự báo 425.000 người mà giới chuyên gia đưa ra trước đó.

Hãng hàng không quốc gia Belarus hủy các chuyến bay tới 8 nước châu Âu

Hãng hàng không quốc gia Belarus -Belavia thông báo đã buộc phải hủy các chuyến bay tới 8 nước, từ ngày 27/5 đến 30/10 do lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu, trong đó có các chuyến bay tới vùng Kaliningrad thuộc Nga nằm ở eo biển Baltic.

Cụ thể, hãng Belavia hủy các chuyến bay tới Vácsava, Milan, Rome, Amsterdam, Frankfurt, Berlin, Munich, Hanover, Vienna, Brussels, Barcelona và vùng Kaliningrad cho đến ngày 30/10. Trước đó, Belavia thông báo đã bị cấm bay tới Litva, Latvia, Pháp, Thụy Điển, Anh, Phần Lan, CH Czech và Ukraine.

Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp COVID-19 tới gần ngày khai mạc Olympic

Ngày 27/5, nhà chức trách Nhật Bản quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 8 tỉnh của nước này tới ngày 20/6, tức là khoảng hơn 1 tháng trước ngày khai mạc Thế vận hội Tokyo (Olympic Tokyo 2021).

Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến mở lại du lịch tàu biển vào tháng 7 tới

Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) - thành phố vốn chủ yếu dựa vào ngành du lịch và dịch vụ.

Theo quy định, ngoài việc cách ly, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, các thành viên thủy thủ đoàn cùng hành khách từ 16 tuổi trở lên phải hoàn thành đủ hai mũi vaccine COVID-19 và xuất trình giấy xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ trước khi lên tàu.

Mỹ: Boeing nộp phạt 17 triệu USD liên quan tới các lỗi sản xuất

Ngày 27/5, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã nhất trí nộp phạt 17 triệu USD và siết chặt các quy định về sản xuất và chuỗi cung ứng sau khi tập đoàn lắp đặt thiết bị chưa được phê chuẩn lên hàng trăm máy bay.

Theo FAA, Boeing đã lắp đặt các thiết bị cảm ứng chưa được cấp phép sử dụng lên 759 máy bay Boeing 737 MAX và 737 NG. Ngoài ra, Boeing cũng nộp đơn xin cấp phép bay cho 178 máy bay Boeing 737 MAX mặc dù các máy bay này có lắp thiết bị chưa được phê chuẩn sử dụng.

Dịch bệnh trên cây nông nghiệp đe dọa an ninh lương thực tại châu Phi

Ngày 27/5 tại thành phố Abidjan, Côte d'Ivoire, các nhà nghiên cứu châu Phi đã cảnh báo về sự gia tăng dịch bệnh trên cây nông nghiệp đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của nửa tỷ người trên lục địa này.

Tiến sĩ Justin Pita, giám đốc điều hành chương trình Dịch tễ học Virus Tây Phi (WAVE) cho biết an ninh lương thực bị đe dọa, đa dạng sinh học và môi trường khu vực bị hủy hoại dưới tác động tổng hợp và sự gây hại của châu chấu, sâu bọ rơi, ruồi đục quả, bệnh hại chuối và sắn... đang lan rộng khắp Tây và Trung Phi, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.

Đức, Nauy khánh thành dự án cáp ngầm trao đổi điện dưới biển

Đức và Nauy ngày 27/5 đã khánh thành NordLink - tuyến cáp điện ngầm dưới biển được xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang dần loại bỏ điện than và điện hạt nhân trong những năm tới.

Với tổng chiều dài 623 km, NordLink là một trong những tuyến cáp biển dài nhất thế giới, nối từ thị trấn Tonstad ở phía Nam Na Uy tới cửa sông Elbe ở miền Bắc nước Đức.

Nga phạt Twitter do không xóa nội dung bị cấm

Một tòa án Nga ngày 27/5 đã phạt nhà điều hành mạng xã hội Twitter 7 triệu rouble (95.310 USD) do đã không xóa nội dung bất hợp pháp.

Cơ quan Giám sát truyền thông của Nga (Roskomnadzor) nêu rõ trên Twitter tồn tại hàng nghìn nội dung bị cấm như hướng dẫn tự sát, kích động tự sát, những tài liệu có tranh ảnh khiêu dâm trẻ vị thành niên, hay thông tin về cách điều chế và sử dụng ma túy...

Facebook không chặn nội dung nói COVID-19 là sản phẩm của con người

Facebook thông báo từ bây giờ sẽ không chặn các nội dung nói rằng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm của con người. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 giữa Trung Quốc và Mỹ nóng trở lại.

facebook2705.jpg
Facebook không còn coi nội dung "COVID-19 là sản phẩm của phòng thí nghiệm" là tin giả. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hoãn hoặc hủy hơn 60 giải chạy marathon sau vụ 21 VĐV thiệt mạng

Trung Quốc đã phải hoãn hoặc hủy hơn 60 giải chạy marathon và xuyên quốc gia trên khắp nước này trong bối cảnh lo ngại về an toàn của hoạt động này gia tăng sau khi 21 người đã thiệt mạng trong giải chạy marathon đường núi vào cuối tuần qua ở tỉnh Cam Túc (Gansu), do thời tiết khắc nghiệt.

EU ủng hộ Nhật Bản tổ chức an toàn Olympic Tokyo

Ngày 27/5, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ ủng hộ Nhật Bản tổ chức an toàn Olympic và Paralympic Tokyo. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định các lãnh đạo EU mong muốn Thế vận hội sẽ diễn ra, đồng thời cho biết việc EU xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sang Nhật Bản là dấu hiệu rõ ràng cho thấy khối này ủng hộ khâu chuẩn bị tổ chức sự kiện thể thao trên một cách an toàn.

Ukraine tập trận quân sự

Hãng thông tấn Ukrinform ngày 27/5 đưa tin Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại khu vực Rivne, Tây Bắc nước này. Khoảng 2.000 quân nhân đã tham gia cuộc tập trận nêu trên, với 150 loại khí tài quân sự.

Azerbaijan bắt giữ 6 binh sĩ của Armenia

Thông tin quân đội Azerbaijan bắt giữ 6 binh sĩ của Armenia ngày 27/5 đã được Bộ Quốc phòng của 2 nước xác nhận.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Armenia nêu rõ các lực lượng nước này đang triển khai một số công việc kỹ thuật tại khu vực Gegharkunik ở biên giới thì bị quân đội Azerbaijan bao vây và bắt giữ 6 binh sĩ. Bộ Quốc phòng Armenia đang triển khai các biện pháp cần thiết để yêu cầu phía Azerbaijan trả tự do cho các binh sĩ.

Ấn Độ, Bangladesh hứng chịu nhiều thiệt hại do bão Yaas

Bão Yaas tiếp tục hoành hành tại Ấn Độ và ảnh hưởng tới nước láng giềng Bangladesh. Tính đến ngày 27/5, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của 9 người ở cả hai nước, trong đó có 4 trẻ em, đồng thời đẩy hàng nghìn người vào tình cảnh “màn trời chiếu đất”.

Sri Lanka đối mặt với ô nhiễm môi trường do cháy tàu chở hàng dài 186m

Sri Lanka đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường khi chưa thể dập tắt đám cháy lớn trên tàu chở hàng X-Press Pearl, mang cờ Singapore, ở ngoài khơi nước này. Đám cháy đã kéo dài suốt 1 tuần qua, gây quan ngại con tàu có nguy cơ bị vỡ và làm hàng trăm tấn dầu có thể tràn ra biển.

Bạch Dương