Các đơn vị sản xuất gạch không nung thích ứng trước đại dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 10:13, 27/05/2021
Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 36 đơn vị khai thác cát tự nhiên, với tổng công suất 740.869 m3/năm; 3 đơn vị sản xuất cát nghiền từ đá, tổng công suất đạt 380.000 m3/năm; 4 đơn vị sản xuất xi măng với tổng công suất 16,61 triệu tấn/năm; 41 đơn vị sản xuất gạch tuynel, với tổng công suất 1.417 triệu viên/năm; 51 đơn vị sản xuất GKN, với tổng công suất 1.096 triệu viên/năm; 2 đơn vị sản xuất gạch ceramic với tổng công suất 5,2 triệu viên/năm; 1 đơn vị sản xuất vôi công nghiệp, với công suất 450.000 tấn/năm.
So với các mặt hàng khác thì GKN đi sau, đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Trong ngành xây dựng, GKN có những ưu điểm vượt trội so với gạch tuynel, gạch nung truyền thống. Đặc biệt là rất thân thiện với môi trường, thích ứng với nhiều kiểu thời tiết khác nhau.
Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng không phải vô tận. Lãnh đạo tỉnh xác định phát triển phải đảm bảo tính bền vững, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. GKN được sản xuất từ việc sử dụng các chất thải công nghiệp làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu thay thế, các chủng loại vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với các vật liệu cùng chủng loại. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất GKN nhằm tận dụng các phế thải công nghiệp, giúp giảm bớt một lượng rác thải xây dựng đáng kể. Tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính – nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.
Tại xứ Thanh hiện có các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng cho các công trình xây dựng trong khu vực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Khảo sát tại Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Quang Phát (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân) một trong những nhà máy sản xuất GKN có quy mô lớn. Công suất thiết kế của nhà máy là 15 triệu viên/năm. Hiện, Nhà máy có nhiều chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ gạch đặc (dùng để xây móng và tường chịu lực) cho đến gạch 6 lỗ vuông có độ rỗng trên 30% (dùng để xây tường ngăn, trọng lượng nhẹ đang được thị trường ưa chuộng).
Với sự đầu tư, cải tiến về công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, sản phẩm GKN của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Quang Phát, đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, phục vụ xây dựng, được khách hàng ủng hộ. Nhờ đó, từ những năm chưa có dịch Covid – 19, tình hình sản xuất của đơn vị dần ổn định, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty lại rơi vào khó khăn, do dịch bệnh kéo dài.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn văn Thương - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Quang Phát cho hay: Dịch Covid-19 khiến cho rất nhiều ngành, nghề lao đoa, trong đó có các nhà máy GKN. Việc thắt chặt đầu tư công cũng khiến cho các công trình xây dựng ít đi, số lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ giảm xuống. Bên cạnh đó, dù có chất lượng tốt nhưng việc tiêu thụ GKN vẫn còn khó khăn do thói quen dùng gạch nung đất sét của nhiều người tiêu dùng chưa thể thay đổi ngay. Hàng sản xuất ra cứ tồn kho, lưu bãi khiến đơn vị sản xuất càng “méo mặt” gánh thêm chi phí.
Để thích ứng với tình hình khó khăn, đơn vị của ông Thương đã phải giảm công suất sản xuất xuống khoảng 50% so với thiết kế. Dù biết giá thành sản phẩm sẽ tăng lên nhưng không thể không cắt giảm. Trong tình hình mới, công ty đã phải siết chặt công tác quản lý, giám sát, người lao động, khách hàng tới giao dịch tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khai báo y tế, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách, rửa tay sát cồn trước khi qua cổng bảo vệ. Việc duy trì sản xuất và trả lương cho công nhân, doanh nghiệp đã linh hoạt chia ca cho công nhân vận hành, đồng thời tìm kiếm thị trường cho trạm trộn bê tông thương phẩn.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng. Trong đó, kịp thời hướng dẫn, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương, chủ đầu tư xây dựng và đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu xây dựng được sản xuất, lưu thông, sử dụng. Thông báo giá gốc vật liệu xây dựng, công tác thẩm định các dự án đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội mở rộng thị trường cung cấp.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận được tín dụng với lãi suất ưu đãi. Có giải pháp kích cầu thị trường vật liệu xây dựng trong nước, trong tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất GKN cần chủ động khai thác thế mạnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, sử dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng mới, tích cực khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).