Tin vắn thế giới ngày 26/5: WHO có nguy cơ tê liệt vì thiếu ngân sách hoạt động
Chuyển động - Ngày đăng : 07:15, 26/05/2021
Iran và các cường quốc bắt đầu vòng đàm phán mới về thỏa thuận hạt nhân
Iran và các cường quốc thế giới ngày 25/5 đã khai mạc vòng đàm phán thứ năm tại thủ đô Vienna của Áo về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Vòng đàm phán mới này diễn ra một ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này đã hết hiệu lực vào ngày 22/5. Mỹ không trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán, nhưng Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley đã tới Vienna.
Mỹ ủng hộ giải pháp 'hai nhà nước' cho cuộc xung đột Israel-Palestine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25/5 cho biết Washington ủng hộ giải pháp "hai nhà nước" nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine nếu các điều kiện thích hợp được đáp ứng.
Phát biểu khi đang ở thăm Jerusalem, ông Blinken cũng kêu gọi tôn trọng hiện trạng tại Đền thờ al-Aqsa ở Đông Jerusalem đồng thời ngăn chặn việc di dời người dân Palestine ra khỏi ngôi nhà của họ thành phố này.
Hoãn cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng ASEAN - Mỹ vì lý do kỹ thuật
Theo các nguồn tin của ASEAN, sáng 25/5, 10 bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã sẵn sàng họp bàn lần đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, người đang công du Trung Đông nhằm đảm bảo việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, diễn ra cùng ngày. Tuy nhiên, hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay chở ông Blinken đã gặp trục trặc, do đó, 2 bên chưa thể tiến hành cuộc họp này.
Chốt thời điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva
Ngày 25/5, truyền thông châu Âu đồng loạt đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ vào ngày 16/6.
Nga lấy làm tiếc về việc EU đóng cửa không phận với máy bay Belarus
Điện Kremlin lấy làm tiếc việc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch cắt đứt các tuyến đường hàng không với Belarus, đồng thời tránh không phận của quốc gia Đông Âu này sau khi Belarus buộc một máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh.
EU áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Belarus
Sự việc nhà chức trách Belarus ngày 23/5 yêu cầu một máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Minsk với lý do kiểm tra an ninh đang gây ra những tranh cãi tại các nước có hành trình bay qua không phận quốc gia Đông Âu này. EU và một số nước ngay lập tức đã tuyên bố trừng phạt Minsk.
WHO có nguy cơ tê liệt vì thiếu ngân sách hoạt động
Phát biểu tại kỳ họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan đã nhắc lại lời kêu gọi từng được đưa ra hồi tháng 2 rằng tổ chức này cần 1,96 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm nay.
Tuy nhiên, ông cho rằng quỹ hiện nay thiếu hụt hơn 70% và với ngân sách hiện có, tổ chức này khó có thể duy trì được các nhiệm vụ cốt lõi đối với những ưu tiên khẩn cấp.
Các nước Mỹ Latinh và Caribe kêu gọi công bằng trong tiếp cận với vaccine
Tổng thống 6 quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe ngày 25/5 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19, đề nghị những quốc gia có nhiều vaccine nhất chia sẻ nguồn sẵn có của họ.
Theo các nhà lãnh đạo, sự xuất hiện của các biến thể mới và nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 càng cho thấy rõ rằng việc các quốc gia thực hiện các chiến dịch tiêm chủng riêng rẽ là chiến lược "không hiệu quả" để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.
Một nửa số người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine phòng COVID-19
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/5 cho thấy một nửa số người trưởng thành ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19, đánh dấu sự tiến bộ đáng kể kể từ khi loại vaccine này được cấp phép lần đầu tiên vào tháng 12/2020.
Bỉ có thể cung cấp 4 triệu liều vacine cho các nước có nhu cầu
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/5 tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của EU đã xác nhận mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tuần trước là cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước không thuộc EU vào cuối năm nay.
Các nhà lãnh đạo EU hoan nghênh chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 25/5 ở Brussels (Bỉ), các đại biểu tham dự đã hoan nghênh sự ra đời và ứng dụng chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 trong toàn khối, đồng thời cho rằng kế hoạch này sẽ giúp phục hồi ngành du lịch ngay trong mùa hè tới.
Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Tại hội nghị, toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU đều cho rằng chứng nhận này sẽ giúp trả lại quyền tự do đi lại cho người dân châu Âu, song song với một kế hoạch riêng biệt nhằm tiếp nhận những khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ từ các nước bên ngoài.
Nhật Bản hỗ trợ tài chính các phòng khám để đẩy mạnh tiêm vaccine
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 25/5 cho biết chính phủ nước này sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các phòng khám để họ có thể triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kato cho biết chính phủ sẽ tăng khoản thanh toán mỗi liều vaccine COVID-19 từ 2.070 yen (19 USD) lên 4.070 yen cho các phòng khám tiêm hơn 100 mũi/tuần trong vòng 4 tuần và lên tới 5.070 yen cho những cơ sở tiêm hơn 150 mũi. Các phòng khám và bệnh viện tiêm được hơn 50 mũi mỗi ngày sẽ nhận được 100.000 yen/ngày và được thanh toán thêm 1 khoản tiền nếu phải điều động bác sĩ và y tá đến các cơ sở y tế khác thiếu nhân viên.
Hãng Moderna khẳng định độ an toàn của vaccine đối với thanh thiếu niên
Hãng Moderna ngày 25/5 khẳng định vaccine ngừa COVID-19 của hãng có hiệu quả đối với trẻ em từ 12-17 tuổi và không đặt ra vấn đề mới hoặc nghiêm trọng nào về sự an toàn trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Thông báo trên mở ra khả năng vaccine này sẽ được cấp phép tiêm cho trẻ em ở độ tuổi đến trường từ tháng 7.
New Zealand tạm dừng chính sách du lịch miễn cách ly với Australia
Ngày 25/5, New Zealand đã tạm dừng quyết định du lịch miễn cách ly với bang Victoria của Australia vì chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm của một ổ dịch mới tại thủ phủ Melbourne của bang này.
Bộ trưởng Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins cho biết việc ngừng áp dụng chính sách trên sẽ bắt đầu từ 19h59 ngày 25/5 giờ địa phương và bước đầu kéo dài 72 giờ trong khi chờ đánh giá thêm.
Áo đưa Anh vào danh sách hạn chế nhập cảnh
Ngày 25/5, Áo đã quyết định cấm các chuyến bay trực tiếp và các chuyến thăm viếng của du khách từ Anh vì tại Anh đã xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Trước đó, đêm 24/5, Áo đã đưa Anh vào danh sách "các nước có xuất hiện biến thể của virus", cùng với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Người đi từ các nước trong danh sách này sẽ chỉ được nhập cảnh với số lượng hạn chế.
Ireland dự kiến thông qua chứng nhận COVID-19
Ireland dự kiến thông qua một chứng nhận COVID-19 nhằm giúp công dân di chuyển tự do hơn trong Liên minh châu Âu (EU) từ giữa tháng 7 tới. Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết chính phủ có thể đưa ra "chứng nhận xanh" trước cuối tháng 7 trong bối cảnh sức ép gia tăng từ các hãng hàng không yêu cầu mở lại du dịch cho nước ngoài.
Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) kéo dài các biện pháp hạn chế
Chính phủ Indonesia ngày 25/5 đã kéo dài các biện pháp hạn chế phòng, chống COVID-19 quy mô nhỏ từ ngày 31/5 đến ngày 14/6, đồng thời áp dụng biện pháp này thêm 4 tỉnh.
Cùng ngày, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã quyết định gia hạn mức độ cảnh báo dịch bệnh hiện nay cho dù số ca nhiễm mới tại đây đang có chiều hướng giảm dần.
Anh điều tra thỏa thuận của AstraZeneca mua lại hãng dược phẩm Alexion
Cơ quan thị trường và quản lý cạnh tranh Anh ngày 25/5 cho biết đã bắt đầu điều tra thỏa thuận của AstraZeneca mua lại hãng dược phẩm Alexion (Mỹ), trị giá 39 tỷ USD, do quan ngại cạnh tranh không công bằng trên thị trường Anh hoặc một số nơi khác.
Hàn Quốc xếp hạng thấp về mức độ hạnh phúc trong khối OECD
Báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố ngày 25/5 cho biết, mặc dù Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới song lại xếp hạng gần cuối về mức độ hạnh phúc trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
KDI dẫn Báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc LHQ xác định xếp hạng của các quốc gia, cho thấy Hàn Quốc được xếp hạng thứ 35 trong số 37 thành viên OECD, chỉ trước Hy Lạp ở vị trí thứ 36 và Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 37. Trong khi đó, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lần thứ 4 liên tiếp, tiếp đến là các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Hà Lan.
Trung Quốc gặp khó vì hồ băng gần biên giới Ấn Độ
Nhà máy thủy điện sắp xây dựng trên sông Yarlung Zangbo dự kiến có công suất phát điện 70 gigawatt, gấp ba lần so với đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đây là nhiệm vụ nằm trong kế hoạch 4 năm lần thứ 14 của chính phủ Trung Quốc bắt đầu từ năm nay.
Nga phạt Google do không xóa nội dung bị cấm
Một tòa án Nga ngày 25/5 đã phạt gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google 4 triệu rouble (tương đương 54.540 USD) do không xóa nội dung mà Moskva cho là bất hợp pháp.
Trước đó, Cơ quan Giám sát truyền thông của Nga (Roskomnadzor) ngày 24/5 đã cho Google thời hạn 24 giờ để xóa những gì Moskva coi là nội dung bị cấm, đồng thời cảnh báo có thể sẽ giảm tốc độ đường truyền đối với nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm này.
Đức mở điều tra chống độc quyền đối với Google
Ngày 25/5, Cơ quan giám sát chống độc quyền liên bang Đức (FCO) thông báo đã mở một cuộc điều tra đối với Google về các động thái phản cạnh tranh, viện dẫn một luật mới đã từng được sử dụng để điều tra các đại gia công nghệ khác của Mỹ.
Tuyên bố của FCO cho biết cơ quan này sẽ điều tra liệu Google Đức, Google Ireland và công ty mẹ Alphabet (ở California, Mỹ) có đang lạm dụng sự thống trị của họ trên thị trường hay không.
Indonesia bắt giữ 4 người ăn trộm vaccine ngừa COVID-19 dành cho tù nhân
Nhà chức trách Indonesia ngày 25/5 cho biết đã bắt giữ 4 người với cáo buộc ăn trộm vaccine phòng COVID-19 dành cho tù nhân để bán ra ngoài kiếm lời.
Trong số 4 đối tượng bị bắt giữ có 1 bác sĩ tại nhà tù Medan và 1 chức sắc y tế địa phương. Các đối tượng này có thể bị kết án tù chung thân theo luật chống tham nhũng của Indonesia.
Nhiều hãng ô tô tạm thời đóng cửa nhà máy ở Ấn Độ
Hãng sản xuất ô tô Renault cùng với Nissan Motor và Hyundai Motor đối mặt với tình trạng tạm thời đóng cửa nhà máy tại Ấn Độ do tình hình bất ổn ngày càng gia tăng khi công nhân lo ngại về sự gia tăng số ca lây nhiễm dịch COVID-19.
Điều này cho thấy những thách thức mà các công ty phải đối mặt tại Ấn Độ, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 khiến hệ thống y tế nước này quá tải và tình trạng thiếu vaccine ngừa dịch bệnh, làm người lao động ngày càng quan ngại.
Mỹ khuyến nghị du khách không đến Malaysia
Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Myc đã nâng cảnh báo về tình hình dịch bệnh tại Malaysia lên mức cao nhất (mức 4) và khuyến nghị du khách tránh tới đây.
Hãng hàng không quốc gia Algeria nối lại một số chuyến bay quốc tế
Chính phủ Algeria ngày 24/5 công bố Hãng hàng không quốc gia Air Algérie sẽ được phép nối lại 6 chuyến bay khứ hồi tới 4 quốc gia kể từ ngày 1/6 tới, sau hơn 15 tháng bị đình chỉ do đại dịch COVID-19.
Hãng hàng không quốc gia Indonesia sẽ cắt giảm một nửa đội bay
Garuda - hãng hàng không quốc gia của Indonesia - sẽ cắt giảm đội bay từ 142 chiếc hiện nay xuống còn 70 chiếc trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty chịu áp lực lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng khoản nợ 70.000 tỷ rupiah (4,9 tỷ USD).
Australia thông báo đóng cửa Đại sứ quán tại Afghanistan
Trong tuần này, Australia sẽ đóng cửa đại sứ quán của mình tại Afghanistan trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tình hình an ninh tại Kabul khi các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Trong tuyên bố phát ngày 25/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne cho biết tòa nhà Đại sứ quán Australia tại Kabul sẽ đóng cửa trong 3 ngày, từ ngày 28/5.
Căn cứ quân sự bí ẩn mọc giữa hòn đảo núi lửa ngoài khơi Yemen
Căn cứ không quân bí ẩn này đang được xây dựng trên đảo núi lửa Mayun ở ngoài khơi Yemen, nằm ở trung tâm một trong những hiểm lộ hàng hải quan trọng nhất thế giới.
AP đưa tin mặc dù chưa có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền với căn cứ không quân trên đảo Mayun thuộc vùng Eo biển Bab el-Mandeb, nhưng dữ liệu theo dõi hoạt động giao thông vận tải liên quan đến việc xây dựng đường băng khổng lồ trên hòn đảo dài 56km này từ cách đây nhiều năm đã dẫn ngược trở lại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Người chăn cừu cứu sống 6 VĐV trong giải chạy marathon ở Trung Quốc
Một người chăn cừu ở tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc Trung Quốc, bỗng chốc trở nên nổi tiếng và được ca ngợi như người hùng sau khi dũng cảm cứu 6 người gặp nạn khi tham gia giải chạy marathon đường núi vào cuối tuần trước.
Theo ban tổ chức, tổng cộng có 172 người tham gia cuộc chạy marathon này, trong số đó có 21 người được báo đã thiệt mạng. Hiện nhà chức trách tỉnh Cam Túc đang mở cuộc điều tra vụ việc.
Cháy tàu chở hàng gần cảng Colombo của Sri Lanka
Ngày 25/5, giới chức Sri Lanka đã giải cứu 25 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu chở hàng X-PRESS PEARL mang cờ Singapore đang chìm trong biển lửa ở ngoài khơi cảng Colombo.
Theo nguồn tin Hải quân Sri Lanka, tàu X-PRESS PEARL chở 1.486 container chứa 25 tấn axit nitric và một số hóa, mỹ phẩm khác, từ cảng Hazira của Ấn Độ vào ngày 15/5. Con tàu đã phát cảnh báo cứu nạn khi đang đến gần cảng Colombo vào ngày 20/5 vừa qua và sau đó nhanh chóng bốc cháy.
Lật thuyền ở Ấn Độ, 8 người thương vong
Giới chức Ấn Độ ngày 25/5 cho biết ít nhất 1 trẻ em đã thiệt mạng và 7 người khác vẫn đang mất tích sau khi 2 chiếc thuyền chở họ bị lật trên sông Sileru ở miền Nam nước này. Vụ việc xảy ra vào đêm 24/5.
Ấn Độ sơ tán gần 2 triệu người chuẩn bị ứng phó với bão Yaas
Ngày 25/5, nhà chức trách ở khu vực bờ biển miền Đông Ấn Độ đã phải sơ tán gần 2 triệu người đến nơi an toàn khi cơn bão mạnh Yaas sắp đổ bộ vào khu vực này, chỉ 1 tuần sau khi siêu bão Tauktae tràn vào bờ biển miền Tây khiến ít nhất 155 người thiệt mạng.