Côn đồ nhởn nhơ, Công an triệu tập không tới, vụ việc phải tạm đình chỉ

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 13:30, 25/05/2021

Xông vào nhà đánh người, đập phá tài sản… rồi nhởn nhơ đi thu tiền. Sau gần 10 tháng thụ lý đơn tố giác tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phải tạm đình chỉ giải quyết vì lý do… không ngờ: Triệu tập người liên quan không tới làm việc.

Quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác với lý do… không ngờ của Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang khiến gia đình nạn nhân là ông Đỗ Minh Tú (SN 1969, trú tại đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vô cùng bức xúc, buộc phải khiếu nại lên cơ quan chức năng cấp cao hơn.

Theo trình báo, tối 12/7/2020, một nhóm khoảng 5-6 người được cho là người của Công ty Cổ phần phát triển tổng hợp Trường Giang (Công ty Trường Giang) đã xông vào cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đỗ Minh Tú, ở khu vực hồ điều hòa, Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) và có hành vi đánh con trai ông Tú là anh Đỗ Duy Long (SN 1989), đập phá tài sản là 2 chiếc điện thoại iPhone 6 Plus và 8 Plus.

6012d82c73eba.png
Nhóm côn đồ được cho là người của Công ty Trường Giang xông vào cửa hàng của gia đình ông Đỗ Minh Tú đánh người, đập phá tài sản tối 12/7/2020. Ảnh: Trích xuất từ camera.

Sau gần 10 tháng xác minh đơn tố giác tội phạm, ngày 11/5/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã có Thông báo số 804/ĐTTH, số 805/ĐTTH, thông báo nội dung kết luận định giá tài sản và thông báo kết quả giám định thương tích đối với anh Đỗ Duy Long. Kết quả, các chạm thương phần mềm vùng đầu, mặt, mắt và vùng lưng, không tổn thương xương, không ảnh hưởng tới chức năng; một chiếc điện thoại iPhone 6s Plus màu hồng bị hỏng hoàn toàn có giá trị thiệt hại 3,5 triệu đồng, một điện thoại kiểu dáng iPhone 8 Plus không đồng bộ có giá trị thiệt hại 6 triệu đồng.

Tưởng rằng sau thông báo này, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng có hành vi côn đồ, xem thường pháp luật giữa Thủ đô. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm lại quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác của ông Đỗ Minh Tú với lý do… không ngờ: Triệu tập người liên quan không tới làm việc.

Cụ thể, theo Quyết định số 94/ĐTTH ngày 13/5/2021, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, do Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm ký: “Sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông Đỗ Minh Tú tại hồ điều hòa Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, cơ quan điều tra đã triệu tập N.N.T (SN 1989, ở khu 4, Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là người liên quan để làm việc liên quan đến nội dung tố giác, tuy nhiên hiện T. vắng mặt tại nơi cư trú và chưa đến cơ quan điều tra làm việc”.

Việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác được Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm căn cứ theo Điều 36 và điểm b khoản 1 Điều 148 Bộ Luật tố tục hình sự. “Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp: Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.

Ngày 20/5/2021, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thượng úy Nguyễn Văn Quyết, điều tra viên thụ lý giải quyết tin báo, xác nhận Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm có tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông Đỗ Minh Tú và phân công giải quyết theo Thông tư số 01.

Trước câu hỏi của phóng viên, về việc điểm b khoản 1 Điều 148 Bộ Luật tố tục hình sự, không quy định việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác khi triệu tập người liên quan không tới làm việc, Thượng uý Nguyễn Văn Quyết sau khi ra ngoài “xin ý kiến”, quay lại chỉ trả lời ngắn gọn: Việc tạm đình chỉ này là đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, theo phản ánh của người dân và gia đình ông Đỗ Minh Tú, sau vụ xông vào nhà đánh người và đập phá tài sản xảy ra vào tối 12/7/2020, T. vẫn nhởn nhơ đi thu tiền trông giữ xe của các hộ kinh doanh ven hồ điều hòa. Cũng trong ngày 20/5/2021, phóng viên Báo Công lý vẫn có thể liên hệ được với N.N.T qua điện thoại. N.N.T cho biết có nhận được giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm nhưng chưa tới, phần vì bệnh tật, phần vì dịch bệnh.

 Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết:

Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) quy định:

Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.

Thông tư này cũng yêu cầu việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Khi bị công an triệu tập vì một vụ án hình sự thì người dân bắt buộc phải đến nếu không có thể bị áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể:

1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định cụ thể như sau:

Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.

Do đó, trong trường hợp này nếu không có thái độ hợp tác thì cơ quan chức năng buộc phải áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Luật sư Lê Văn Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm căn cứ theo Điều 36 và điểm b khoản 1 Điều 148 Bộ Luật tố tục hình sự. “Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp: Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.

Tuy nhiên, nếu Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã có Thông báo số 804/ĐTTH, số 805/ĐTTH trong đó xác định thương tật và thiệt hại tài sản của anh Đỗ Duy Long, thì căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 149 Khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và tại Điều 9, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017, quy định việc “phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”- các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm là không còn. Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm cần xem xét phục hồi giải quyết đơn tố giác tội phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Hoàng Hải