Quy định rõ trần quân hàm trong lực lượng Quân đội và Công an
Chính trị - Ngày đăng : 17:24, 27/11/2014
Đây là hai dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến từ Kỳ họp trước, được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản tổ chức, bộ máy của hai lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân nhằm thể chế hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Với 363 đại biểu tán thành (73,04% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Huệ phát biếu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Dự án luật được thông qua đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về quy định đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; trần quân hàm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp tỉnh theo hướng trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an Tp. Hà Nội, Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh và Công an cấp tỉnh.
Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua với 357 đại biểu tán thành (chiếm 71,83% tổng số đại biểu Quốc hội).
Sau khi ban hành, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sẽ mở đường cho việc hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo Luật được thông qua đã quán triệt các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Luật cũng quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng Công an nhân dân; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại các tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã nhằm phát huy kết quả hoạt động tích cực của lực lượng này trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội thời gian qua.
Về trần quân hàm, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thống nhất chức danh Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm Thượng tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng. Trần quân hàm Trưởng Công an cấp quận tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là Thượng tá.
Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần hướng đến mục tiêu xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể như tình trạng, thời gian qua, một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản.
Có đại biểu đề nghị việc xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nâng cao được chất lượng văn bản pháp luật của các bộ, ngành; tránh tình trạng nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản. Bên cạnh đó, phải khắc phục tình trạng tồn tại nhiều năm qua là luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của luật dẫn đến nợ đọng văn bản hướng dẫn, chậm giải quyết.
Liên quan đến vấn đề trưng cầu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng luật, có đại biểu đề nghị dự thảo luật phải xây dựng cơ chế lấy ý kiến phù hợp, dễ triển khai để việc lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp thực sự có hiệu quả và thực chất.