Học sinh Việt Nam đoạt giải Ba Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế 2021
Giáo dục - Ngày đăng : 16:41, 22/05/2021
Việt Nam là 1 trong 34 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải của Hội thi, trên tổng số 81 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự REGENERON ISEF 2021.
Cụ thể, dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” của 2 em Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh đoạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi.
Dự án “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh trung học phổ thông” của 2 em Hoàng Việt Phúc, Vũ Phương Mai, học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai và dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập Hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của 2 em Huỳnh Đăng Khoa, Lê Anh Châu, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đoạt đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Năm 2021, Hội thi ISEF 2021 có tên là “REGENERON ISEF 2021”, Hội thi được tổ chức trực tuyến tại Hoa Kỳ, từ 03/5/2021 đến 06/5/2021. Số nước tham dự: 81. Số dự án: 1431. Tổng số học sinh tham dự: 1893. Kết quả, số nước có giải là 34/81 nước. Tổng số dự án đạt giải: 382/1431 (chiếm 26,67 %).
Việt Nam có 07 dự án tham dự REGENERON ISEF 2021 và là 1 trong 34 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải của Hội thi, trên tổng số 81 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự REGENERON ISEF 2021.
Ban tổ chức REGENERON ISEF 2021 đánh giá cao việc Việt Nam đã phát động rộng rãi công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hàng năm với hàng ngàn học sinh tham gia. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước Việt Nam nâng chất lượng công tác nghiên cứu khoa học nói chung và các dự án dự thi quốc gia, quốc tế nói riêng.
Đoàn học sinh Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động của REGENERON ISEF 2021 bằng hình thức trực tuyến từ ngày 16/5/2021 đến ngày 21/5/2021 trên các không gian ảo do Ban tổ chức REGENERON ISEF 2021 thiết kế, góp phần tạo nên thành công chung của Hội thi, được bạn bè quốc tế đánh giá tốt.
Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế ISEF kể từ khi Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học của Việt Nam chính thức đăng kí là Hội thi thành viên của ISEF năm 2012 luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong hơn 50% quốc gia có giải tại Hội thi này.
Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương thức giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chọn được 07 dự án tham dự REGENERON ISEF 2021 từ 141 dự án dự thi Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021, đã có hàng chục ngàn dự án được thực hiện trong các nhà trường, trong số đó có trên 5000 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh/thành phố. Con số đó đã nói lên sự phát triển của Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kĩ thuật cũng như giáo dục STEM trong giáo dục trung học đến thời điểm hiện tại. Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai và thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học có tên tiếng Anh là International Science and Engineering Fair ( ISEF), là hội thi hàng năm được tổ chức từ năm 1952. Đến nay, ISEF là hội thi khoa học và kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 9 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng 1800 học sinh trung học từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu ở 22 lĩnh vực của Hội thi. Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học ở các địa phương hoặc các quốc gia. Các hội thi địa phương hay quốc gia này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của ISEF và được gọi là các Hội thi ISEF thành viên (Affiliation Fair). ISEF kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tranh tài ở đấu trường quốc tế; tạo điều kiện cho học sinh gửi những đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học trình độ cao để được đánh giá, nhận xét. |