Tổng thống Biden ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19
Chuyển động - Ngày đăng : 18:29, 21/05/2021
Đạo luật chống thù hận nhằm vào người gốc Á, hay còn được gọi là Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19 do Hạ nghị sĩ Dân chủ bang New York Grace Meng và Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Hawaii, Mazie Hirono, đồng bảo trợ.
Đạo luật nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng số vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, vốn gia tăng trong đại dịch COVID-19.
Đạo luật đề xuất thành lập một vị trí tại Bộ Tư pháp Mỹ nhằm xúc tiến việc xem xét tất cả các báo cáo về tội ác thù hận liên quan đến COVID-19; mở rộng hỗ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và tiểu bang đối phó với những tội ác thù hận này; và ban hành hướng dẫn về việc giảm thiểu việc sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc để mô tả đại dịch.
Hôm 22/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật với số phiếu ủng hộ áp đảo, 94 phiếu thuận và chỉ có duy nhất 1 phiếu chống của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley.
Tiếp đó, ngày 18/5, Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật với 364 phiếu ủng hộ và 62 phiếu chống. Đạo luật được chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào ngày 20/5.
Đây là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như được đánh giá là hành động quyết liệt mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải quyết tình trạng thù hận nhằm vào người gốc Á.
Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương (AAPI), Hạ nghị sĩ Judy Chu, khẳng định đạo luật này rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời, ông cũng ca ngợi chính Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên án tội ác căm thù đối với người Mỹ gốc Á, và đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề này.
Theo nhóm Stop AAPI Hate, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, đã có hơn 6.600 vụ thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á và gần 2/3 trong số đó nhắm đến đối tượng là phụ nữ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, hay vi phạm quyền công dân
Một báo cáo gần đây dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, cho thấy tội phạm căm thù nhằm vào người châu Á ở các thành phố lớn của Mỹ đã tăng 169% trong Quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước.