9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để cuộc bầu cử thành công

Chính trị - Ngày đăng : 15:27, 18/05/2021

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị bầu cử sáng ngày 18/5, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường đã nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
bui-van-cuong.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị

Công tác bầu cử bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ và đạt kết quả cao

Đánh giá chung về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường nêu rõ: sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt các công việc bầu cử theo đúng các mốc thời gian luật định, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ và đạt kết quả cao.

Các địa phương cũng khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp; tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử tại địa phương mình để quán triệt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và các văn bản do Trung ương và địa phương ban hành; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ về công tác bầu cử tại địa phương; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự; công tác tuyên truyền; an ninh, y tế; giải quyết khiếu nại tố cáo và chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho “ngày hội non sông”; tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác bầu cử; tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát để đảm bảo công tác chuẩn bị bầu cử được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Đặc biệt, trong thời gian sát ngày bầu cử, khi dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong đó đặc biệt lưu ý những vấn đề về triển khai công tác bầu cử trong hình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc nhất định trong công tác chuẩn bị bầu cử thời gian qua như: một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri.

Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh Covid-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông trong vận động bầu cử.

Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một số nơi còn chậm. Công tác tuyên truyền có nơi chưa thật sự có tác động rộng rãi trong toàn dân, việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn.

Một số nơi, việc bố trí kinh phí còn hạn chế. Một số địa phương lập danh sách cử tri còn chưa chính xác, thiếu thông tin theo quy định.

hoi-nghi-bau-cu.jpg

“Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới của virus, trong khi đó, vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc còn tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử. Có nơi còn chưa chủ động xây dựng các phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu, phương án phòng, chống dịch bệnh Covid -19 khi có cử tri bị sốt, hoặc phương án bỏ phiếu trong trường hợp bị cách ly”, ông Bùi Văn Cường cho biết.

9 nhiệm vụ trọng tâm

Trên tinh thần đó, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: 

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng các phương án, dự lường các tình huống liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử

Hai là, hoàn thành việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử; tập huấn cụ thể, sâu sát cho các tổ chức bầu cử, nhất là Tổ bầu cử. Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, về danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc về cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các cử tri bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ…

Bốn là, rà soát kỹ phương án bảo đảm an ninh, trật tự; tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử…

Năm là, các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia được phân công theo dõi các địa bàn từ nay đến ngày bầu cử, chủ động triển khai kế hoạch, nắm bắt thông tin để kịp thời xử lý những tình huống bất thường và giải quyết những vấn đề phát sinh có thể xảy ra…

Sáu là, nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.

Bảy là, công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

Tám là, chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chín là, báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH và kết quả xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa XV tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tính đến ngày 14/5/2021, Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử và ứng viên ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Qua phân loại, có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử ĐBQH, 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 6 đơn không liên quan đến bầu cử.

Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 69 đơn; xếp lưu 95 đơn, trong đó 62 đơn trùng, 33 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử. Đến nay công tác xác minh, giải quyết đang được đẩy nhanh, đảm bảo đúng quy định.

Về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng chính thức ứng cử tính đến thời điểm này là 866 người để bầu 500 đại biểu, tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu.

Về ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, tổng số đại biểu HĐND được bầu theo luật định là 3.726 người, tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người, tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu.

Cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 22.952 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.458 người, tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu.

Cấp xã, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 242.312 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người, tỷ lệ 1,67 lần.

Đến ngày 3/5 các tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử ĐBQH khóa XV, ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử, đảm bảo chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách cử tri, có phương án xử lý đảm bảo tất cả cử tri đủ điều kiện để thực hiện quyền bầu cử.

Ngọc Mai